ASEAN được đánh giá là khu vực phòng dịch Covid-19 tương đối tốt. (Nguồn: AP) |
ASEAN phòng dịch Covid-19 tương đối tốt
Tính tới hết ngày 20/5, ASEAN ghi nhận 72.640 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 2.283 ca tử vong. Chỉ còn ba nước trong khu vực có số ca mắc hàng ngày cao.
Về số ca mắc trong 24 giờ qua, toàn khối có 5 quốc gia ghi nhận ca mắc mới. Trong đó, Indonesia có số ca mắc mới cao nhất, tiếp đó là Singapore và Philippines. Các nước này đều có số ca mắc ở mức ba con số. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 31 trường hợp mới, còn Thái Lan chỉ có thêm một ca. Năm nước còn lại không có ca mắc nào trong 24 giờ qua.
Về số ca tử vong, toàn khối ghi nhận 26 ca ở hai nước là Indonesia (21 ca) và Philippines (5 ca) trong 24 giờ qua. Các nước còn lại không có ca tử vong nào.
Nhìn chung, ASEAN được đánh giá là phòng chống dịch Covid-19 tương đối tốt so với các khu vực khác trên thế giới.
Ủy ban chống Covid-19 của Indonesia ngày 20/5 thông báo nước này có 693 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày và đưa tổng số ca nhiễm lên 19.189 ca. Tổng số ca tử vong tại Indonesia đã tăng lên 1.242 ca, trong khi 4.575 ca khỏi bệnh.
Singaporeghi nhận 570 ca mới, đưa tổng số ca lên 29.364, trong khi số ca tử vong vẫn là 22 ca. Ngoài ra, Singapore có 10.365 ca đã bình phục. Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch Covid-19 đang được áp dụng tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và nước này sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 2/6, Singapore sẽ thực hiện giai đoạn 1 một cách hết sức thận trọng, theo đó nhiều hạn chế vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng như hiện nay.
Bộ Y tế Philippines ngày 20/5 ghi nhận 279 ca nhiễm, cao nhất trong một ngày trong vòng 9 ngày qua và nâng tổng số ca nhiễm lên 13.221 ca. Philippines có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 842 ca.
Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai.
(TTXVN/TGVN)
Thái Lan dẫn đầu ASEAN trong triển khai 5G nhờ Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã buộc các nhà mạng viễn thông lớn tại Thái Lan phải đẩy mạnh triển khai các công nghệ thế hệ thứ 5, biến họ trở thành quốc gia đầu tiên trong 10 thành viên của ASEAN thương mại hóa các dịch vụ 5G.
Hai nhà mạng di động hàng đầu Thái Lan, Advanced Info Service (AIS) và True Corp, đang chạy đua để triển khai mạng 5G tại các bệnh viện để hỗ trợ cho các bác sỹ và đội ngũ nhân viên y tế chiến đấu với Covid-19.
Vào ngày 11/5, AIS tiết lộ rằng công ty đã quyết định dành ra 1,2 tỷ USD để đầu tư mở rộng mạng 5G, hướng đến mục tiêu phục vụ khoảng 13% tổng dân số Thái Lan vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích trước đây từng dự báo rằng các nhà mạng di động của Thái Lan sẽ cần thêm thời gian trước khi đầu tư vào mạng di động thế hệ mới, bởi họ đã chi ra hàng tỷ USD vào năm 2015 để mua giấy phép 4G – giấy phép mang lại quyền sử dụng các dải sóng dành riêng cho các dịch vụ mạng di động thế hệ trước. Nhu cầu đối với các mạng tốc độ siêu nhanh cũng được dự báo sẽ thấp, khiến việc triển khai nhanh mạng 5G là điều rất khó có khả năng xảy ra.
Covid-19 khiến Thái Lan thúc đẩy 5G nhanh hơn. (Nguồn: Nikkei) |
Tuy nhiên, sự lây lan của Covid-19 đã nhanh chóng đảo ngược mọi dự báo nói trên, làm nảy sinh nhu cầu đối với một loạt các dịch vụ viễn thông mới.
Các quốc gia ASEAN khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ 5G, trong khi một số khác vẫn chờ kết quả đấu thầu để phân bổ các giấy phép cần thiết. Quốc gia tiếp theo trong khu vực nhiều khả năng sẽ triển khai 5G thương mại trong năm nay là Việt Nam, khi mà Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam cho biết đã có kế hoạch thương mại hóa dịch vụ trong tháng 6 tới đây.
Ba nhà mạng viễn thông lớn của Việt Nam, bao gồm Viettel, MobiFone, và Vinaphone đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại các thành phố lớn vào tháng 4 vừa qua. Các nhà mạng này đều khẳng định đã sẵn sàng để triển khai thương mại, tuy nhiên chưa có nhà mạng nào công bố khung thời gian cụ thể để bắt đầu các dịch vụ thương mại.
(Nikkei)
Các tổ chức dân sự Mỹ, ASEAN trao đổi về Covid-19
Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) Lin Songtian vừa qua đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19, trong đó có hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN.
CPAFFC đã có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 10 tổ chức dân sự trên 10 nước ASEAN. Ông Lin Songtian đã cảm ơn các chính phủ ASEAN đã hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Covid-19, qua đó khẳng định quan hệ chặt chẽ giữa hai bên. Trung Quốc cũng hỗ trợ các nước ASEAN khi đại dịch lan rộng.
Ông Lin Songtian nhấn mạnh đóng góp của Trung Quốc trong hợp tác toàn cầu chống lại Covid-19, đặc biệt là thông qua bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Ông Lin Songtian nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn giữ thái độ cởi mở và minh bạch khi đối phó với Covid-19, và đã chia sẻ tất cả thông tin với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
"Trung Quốc và các nước ASEAN nên giữ vững quan niệm hợp tác vì lợi ích chung, cùng nhau vượt qua khó khăn và đoàn kết để xóa bỏ đại dịch ở châu Á càng sớm càng tốt", ông Lin Songtian nói.
(CGTN)
Doanh số bán xe hạng nhẹ của ASEAN thấp nhất trong 9 năm
Doanh số bán xe hạng nhẹ của ASEAN đạt mức thấp nhất trong vòng 9 năm trong quý I/2020, do tác động từ dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu và các nước ASEAN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngành ô tô ASEAN đang chịu thiệt hại nặng nhất do bản chất của việc sản xuất ô tô là ở quy mô lớn và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một báo cáo gần đây của LMC Automotive, khu vực ASEAN 5 bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã thông báo doanh số bán xe hạng nhẹ (LV) có xu hướng giảm mạnh trong năm 2020. Thị trường LV ASEAN ở mức 665.000 đơn vị trong quý đầu năm nay, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ do Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng đã tác động mạnh mẽ tới xuất khẩu khu vực. Thái Lan và Malaysia là hai nước chịu thiệt hại nặng nề nhất, với mức tăng trưởng chỉ ở mức 15,51% và 33,12%, được ghi nhận trong quý I/2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, số xe hạng nhẹ được bán ra của Thái Lan là 196.000 chiếc, giảm mạnh so với 232.000 chiếc được bán ra trong 3 tháng đầu năm 2011. Khả năng phục hồi của thị trường trong thời gian tới cũng được đánh giá không khả quan.
Tại Malaysia, doanh số bán ra trong quý I/2020 là 105.000 đơn vị, giảm 61% chỉ trong tháng 3. Nguyên nhân chính là Malaysia có lệnh cấm lưu thông xe và suy thoái kinh tế.
(Autocar Professional)