📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 22/4

Quang Đào 09:30 | 22/04/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Các biện pháp kích thích kinh tế của ASEAN cần hướng tới lâu dài... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.
Singapore tiếp tục là quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất ASEAN.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN: Chiều hướng các ca nhiễm mới giảm dần

Tính tới rạng sáng 21/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 31.843 ca mắc Covid-19 và 1.210 người tử vong, số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 8.204 trường hợp.

Singapore tiếp tục là quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất khu vực. ngày 21/4 đã ghi nhận thêm 1.111 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 9.125 người. Bộ Y tế Singapore cho biết phần lớn những ca nhiễm nêu trên là người lao động nhập cư sống trong các nhà ở tập thể, chiếm hơn 3/4 trong tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này.

Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Achmad Yurianto cho biết nước này đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 7.135 người. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ghi nhận 26 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 616 người.

Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất trong hơn 1 tháng với 19 ca trong ngày 21/4. Tính đến thời điểm này, Thái Lan xác nhận có tổng cộng 2.811 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 48 ca tử vong và 2.108 người đã bình phục.

Các quan chức y tế Malaysia ngày 21/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 57 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên thành 5.482 người. Đây là ngày thứ năm liên tiếp, Malaysia duy trì số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hai con số. Số ca tử vong trên cả nước lên thành 92 người.

Bộ Y tế Philippines ngày 21/4 đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong do dịch bệnh. Philippines cũng có thêm 140 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 6.599 người.

Trong khi đó, quốc gia trong khu vực Đông Nam Á Timor Leste ghi nhận số ca mắc tăng đáng kể từ 2 ca đầu tháng 4 này lên 21 ca. Theo truyền thông địa phương, đa số các ca mắc mới ở Timor Leste từng đến Indonesia.

Campuchia, LàoViệt Nam không ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới nào.

Theo Anadolu, số liệu thống kê cho thấy các ca nhiễm Covid-19 ở khu vực ASEAN đang có chiều hướng giảm dần. Nếu cứ tiếp tục như thế này, ASEAN sẽ không lo lắng trở thành “ổ dịch” mới trên thế giới.

(TGVN/TTXVN)

ASEAN – Mỹ sẽ họp để bàn về khủng hoảng

Theo tờ Bangkok Post, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến đặc biệt về ASEAN với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 23/4. Cuộc họp được đồng tổ chức bởi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và ông Pompeo.

Cuộc họp nhằm xác nhận các ý định chung và tăng cường hợp tác song phương trong việc đối phó với Covid-19.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong cuộc họp, Mỹ và ASEAN sẽ tập trung trao đổi thông tin và hướng dẫn; tăng cường chuẩn bị và ứng phó với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp; cung cấp trợ giúp cho người dân trong khu vực và Mỹ và bảo vệ chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là hậu cần và giao các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, thuốc và thiết bị.

Cả hai bên cũng sẽ thảo luận về hợp tác để giảm bớt tác động kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng Covid-19, cũng như các hướng dẫn phục hồi kinh tế.

Thông cáo cũng cho biết, Mỹ là đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN và hai bên đã hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả y tế công cộng. Cuộc họp sẽ là cơ hội quan trọng để hai bên hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào người dân, nền kinh tế và an ninh của ASEAN và Mỹ.

(Bangkok Post)

Các biện pháp kích thích kinh tế của ASEAN cần hướng tới lâu dài

Đó là nhận định của ông Chua Soon Ghee, đối tác của công ty tư vấn Kearney. Theo đó, ông cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được một số chính phủ ASEAN công bố trong thời gian qua là kịp thời nhưng sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn hạn chế và chỉ hướng tới trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, hầu hết các gói kích thích tập trung vào việc giảm bớt ảnh hưởng do sự thuyên giảm đột ngột nhu cầu khách hàng thông qua một số biện pháp như hỗ trợ tiền lương, giảm phí hoặc trả chậm khoản vay cũng như hỗ trợ cho vay.

Theo ông Chua, do dịch Covid-19 chưa có vaccine phòng ngừa khiến các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tiếp tục trong thời gian tới, chính phủ các nước ASEAN tới đây nên có sự hỗ trợ dài hạn hơn 1 năm cho các ngành như du lịch, khách sạn, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, năng lượng. Đối với các SMEs, các chính phủ nên có phương án hỗ trợ dòng tiên như cung cấp hỗ trợ cho vay để giữ cho các SMEs tiếp tục hoạt động cho đến khi nhu cầu khách hàng trở lại bình thường.

(Malay Mail)

Gần 21 triệu người tại các nền kinh tế ASEAN-6 có nguy cơ mất việc

Tình trạng thất nghiệp ở các thị trường Đông Nam Á sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Theo các nhà phân tích của BofA Global Research, khoảng 20,7 triệu người lao động tại các nước ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Việt nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore) sẽ mất việc. Trong đó, Indonesia đứng đầu danh sách với khoảng 9,4 triệu người.

Cũng theo báo cáo của BofA Global Research, người lao động ở một số ngành nghề như du lịch, thực phẩm, bán buôn, bán lẻ và các dịch vụ kinh doanh, bất động sản có nguy cơ mất việc cao hơn các ngành khác.

Các chính phủ ASEAN-6 đều tung ra các gói hỗ trợ tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng, lên tới 8% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chỉ Singapore và Malaysia cung cấp cứu trợ trực tiếp cho chi phí lao động thông qua trợ cấp tiền lương, trong khi các quốc gia khác dựa vào chuyển tiền mặt và ưu đãi thuế.

(Business Times)