Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: THX) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN: Indonesia ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục
Tính tới rạng sáng ngày 18/5, ASEAN ghi nhận tổng cộng 74.328 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.688 ca so với 1 ngày trước. Bệnh Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 2.318 người ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 29.316 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca mắc bệnh Covid-19 cao nhất khu vực với 973 ca, một trong những ngày có nhiều ca mắc mới nhất. Indonesia đã trở thành “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực.
Theo một quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, tính tới hết ngày 21/5, quốc gia vạn đảo ghi nhận tổng cộng 20.162 ca mắc Covid-19. Indonesia cũng ghi nhận thêm 36 ca tử vong do dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.278 người.
Ngày 19/5, Singapore ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai khối ASEAN với 448 trường hợp. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử tiếp tục khống chế tốt số ca tử vong và tới thời điểm này, Singapore mới chỉ có tổng cộng 23 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Thái Lan ngày 21/5 cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 mới, song không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.037 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong.
Mặc dù Thái Lan đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, song vẫn cần thêm biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa toàn quốc do lo ngại, nếu xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 thì thiệt hại sẽ khốc liệt hơn.
Philippines ngày 21/5 ghi nhận 213 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4 ca tử vong do mắc bệnh này. tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines đã tăng lên thành 13.434 người, trong đó có 846 ca tử vong. Nước này cũng ghi nhận thêm 68 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên thành 3.000 người.
Malaysia ghi nhận thêm 50 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc căn bệnh nguy hiểm tại nước này lên thành 7.059 người. Ngoài ra, Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong nào, duy trì số ca tử vong ở mức 114 người.
Trong ngày 21/5, Lào đã cho phép nối lại vận tải nội địa, song yêu cầu thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt và sắp xếp chỗ ngồi nhằm đảm bảo các hành khách ngồi cách nhau ít nhất 1 mét. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cung cấp, xà phòng, nước rửa tay khô cho khách hàng.
Campuchia đã ghi nhận 1 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 123 bệnh nhân. Campuchia cũng chưa quyết định mở cửa trường học trở lại. Đồng thời, Bộ Y tế Campuchia cho biết, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 22/5, Việt Nam đã trải qua 36 ngày không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng, tuy nhiên số người cách ly chống dịch tăng mạnh và nguy cơ ca bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng.
(TGVN/TTXVN)
ASEAN đã làm rất tốt trong công tác chống dịch với tư cách là một khối
ASEAN đã đối phó khá tốt với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2020, đó là nhận định chung của các học giả và quan chức ASEAN tại buổi thảo luận trực tuyến "ASEAN ở đâu trong Covid-19", do Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore tổ chức ngày 20/5.
Các học giả và quan chức ASEAN tại Singapore cho rằng thực tế ASEAN đã làm rất tốt với tư cách là một khối thống nhất tại khu vực, không chỉ trong đối phó với dịch Covid-19 mà còn trong việc cân bằng quan hệ với các đối tác chủ chốt.
Ông Simon Tay, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) nhận định, về tổng thể, ASEAN làm tốt công tác đối phó với dịch bệnh Covid-19, tất nhiên chưa phải là hoàn hảo.
Trong khi đó, tiến sỹ Tan Hsien-Li, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách ASEAN, Trung tâm Luật Quốc tế đánh giá cần nhận thức đúng đắn rằng các tổ chức quốc tế, khu vực không thể làm thay công việc của các quốc gia. ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực đã làm tốt trách nhiệm của khối này.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương cho rằng, dịch Covid-19 xảy ra đã khiến một loạt hội nghị của ASEAN bị trì hoãn. Dù vậy, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN và các nước thành viên đã "hành động sớm, hành động phối hợp và hợp tác chặt chẽ" không chỉ trong nội khối mà với cả các đối tác trong việc đối phó với dịch bệnh.
Ông Simon Tay nhận định, Việt Nam đã làm khá tốt so với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, Giáo sư Tommy Koh cho rằng, Việt Nam đã phản ứng nhanh, quyết liệt với dịch Covid-19. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN cũng đã phản ứng rất tốt với dịch bệnh và xử lý tốt mối quan hệ với các đối tác, nhất là Mỹ và Trung Quốc. ASEAN đã duy trì tốt sự hợp tác với cả hai đối tác lớn này, phát huy được tính trung tâm và khẳng định được vai trò cầu nối.
(TTXVN)
Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt cấp cao của ASEAN, nhằm phối hợp chống dịch tốt hơn và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 |
Kêu gọi phối hợp phản ứng và phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) cùng với các hội đồng kinh doanh khác nhau kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt cấp cao của ASEAN, nhằm phối hợp chống dịch tốt hơn và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Các hội đồng kinh doanh ủng hộ đề xuất này bao gồm: Hội đồng doanh nghiệp Australia-ASEAN, AustCham ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp ASEAN-New Zealand, Hội đồng doanh nghiệp Canada-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp Anh-ASEAN và Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN.
“Việc phục hồi kinh tế sẽ không hề nhanh chóng hay đơn giản, nhưng sẽ có những cơ hội đáng kể để ASEAN tận dụng sự điều chỉnh nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu và biến mình trở thành điểm đến hàng đầu sản xuất hàng hóa và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất trong thị trường toàn cầu” – theo bản tuyên bố được các bên công bố ngày 21/5.
Các hội đồng cho rằng, ủy ban đặc biệt nên xem xét các cải tiến như xóa bỏ các rào cản phi thuế quan đối với các hạn chế thương mại và đầu tư, cắt giảm các thủ tục rườm rà.
(The Edge Market)
Đồi mồi có nguy cơ tuyệt chủng cao là một trong những loài động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp. |
Cứu động vật có nguy cơ tuyệt chủng vì một ASEAN bền vững
Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) kêu gọi các hành động thực tiễn và có hiệu quả để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn khu vực và phần còn lại của thế giới, nhân dịp Ngày động vật gặp nguy hiểm 15/5.
ASEAN có mật độ đa dạng sinh học cao gồm động vật hoang dã và thực vật. ASEAN có tỷ lệ trung bình cao nhất về các loài chim đặc hữu quốc gia (9%) và các loài động vật có vú (11%) và tỷ lệ cao thứ hai về các loài thực vật có mạch đặc hữu quốc gia (25%) so với các vùng nhiệt đới khác thế giới.
Thật không may, khu vực này còn được gọi là một điểm nóng đa dạng sinh học. Dữ liệu từ Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) năm 2019 cho thấy có 3,875 loài (13%) bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu được tìm thấy ở khu vực ASEAN.
Để bảo tồn các loài trên bờ vực tuyệt chủng, ACB đã tạo điều kiện cho một loạt các hoạt động được các quốc gia thành viên ASEAN dẫn đầu. Giám sát, đánh giá nghiêm ngặt về tình trạng của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là những loài có nguy cơ tuyệt chủng, được tiến hành thường xuyên, giúp các quốc gia ASEAN bảo vệ các loài động vật trong Sách Đỏ, giảm nạn săn bắt trộm và các hoạt động phi pháp khác.
Hợp tác quốc tế và khu vực là chìa khóa để chia sẻ thông tin và ngăn chặn được vấn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, chấm dứt nạn săn trộm và buôn bán các loài được bảo vệ. Thách thức lớn hơn nằm ở việc áp dụng các biện pháp bền vững để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, đảo ngược sự hủy diệt và khôi phục môi trường sống tự nhiên của chúng.
(ACB)