Đóng góp của ASEAN trong chống biến đổi khí hậu
Nếu không phải vì đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu của (COP26) ở Glasgow (Scotland) trong tháng này.
COP là Hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), là nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu. Các kỳ hội nghị COP đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ Trái đất, bảo vệ chính mình.
Việc COP26 bị hoãn cho đến tháng 11/2021 không đồng nghĩa là các quốc gia không cần có hành động thiết thực. Hơn bao giờ hết, các thách thức về biến đổi khí hậu cần phải được giải quyết, nếu không, một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều lần so với đại dịch Covid-19 hiện tại hoàn toàn có thể hạ gục toàn cầu.
Trong đó, khu vực Đông Nam Á đặc biệt phải đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, như tình trạng nước biển dâng và những thay đổi của thời tiết, có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực. Những trận lũ lụt nghiêm trọng gần đây xảy ra ở Việt Nam, Campuchia hay Philippines chỉ là một lời nhắc nhở nhỏ về nguy cơ của những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
Mặc dù các cam kết của ASEAN về đối phó với biến đổi khí hậu đã tăng lên, nhưng các nước có thể và sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa. Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng khả năng và các cơ chế để đối chọi với các rủi ro trong tương lai.
(Jakarta Post)
Ngành công nghiệp ô tô điện ở ASEAN
Ô tô điện, bao gồm cả xe lai điện (hybrid), có thể giảm đáng kể lượng khí carbon thải ra môi trường. Bloomberg Energy Finance dự đoán rằng 54% số ô tô mới được bán vào năm 2040 sẽ là xe điện, chiếm 33% tổng số xe ô tô toàn cầu vào thời điểm đó.
Một nghiên cứu do hãng Nissan ủy quyền vào năm 2018 khẳng định, 1/3 người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng mua ô tô điện. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy, doanh số bán xe điện tại các nước thành viên ASEAN khá yếu so với mặt bằng chung của thế giới, trong đó, người tiêu dùng ở Philippines, Thái Lan và Indonesia tỏ ra hào hứng nhất với tương lai của xe điện.
Các chính sách và khuyến khích phù hợp như khuyến mãi hoặc hỗ trợ từ chính phủ sẽ có hiệu quả trong việc thu hút người Đông Nam Á lái xe điện hơn.
Trên thực tế, tại một hội thảo ở Bangkok, các chuyên gia đã gợi ý tới chính phủ Thái Lan rằng giá xe điện cao, cùng với việc thiếu các trạm sạc xe điện khiến cho người tiêu dùng nước này khá dặt dè về công nghệ xe mới này.
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Chính sách Xe điện Quốc gia (NEVPC) và thông báo về một lộ trình đẩy mạnh tiêu dùng ô tô điện trong nước, giúp ngành công nghiệp xe hơi nước này sản xuất 1,2 triệu chiếc trong 10 năm.
(ASEAN Post)
Logo và linh vật của SEA Games 31. |
Khởi động SEA Games 31
Ngày 21/11, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình "Khởi động cùng SEA Games 31".
Tại lễ khởi động, Ban tổ chức công bố website chính thức của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 tại địa chỉ: hanoi2021.com. Trên website này sẽ đăng tải toàn bộ thông tin chính thức về 2 đại hội, địa điểm, lịch thi đấu của các môn thể thao. Độc giả quan tâm cũng có thể tìm kiếm thông tin về những di tích lịch sử, văn hóa, đặc sản ẩm thực, khu vực lưu trú…
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và đại diện Đại sứ quán của các quốc gia khu vực Đông Nam Á cùng thực hiện nghi thức khởi động chương trình đếm ngược 1 năm tới SEA Games 31.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức công bố biểu trưng ASEAN Para Games, SEA Games 31 là tác phẩm “Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V” cùng sao la - linh vật của đại hội…
Kết thúc chương trình "Khởi động cùng SEA Games 31", Ban Tổ chức cùng hơn 2.000 vận động viên thể thao thành tích cao thuộc các đội tuyển quốc gia, đông đảo người dân Thủ đô tham gia chạy đồng hành cùng chương trình.
(TTXVN)
Tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.449 ca mắc Covid-19 và 156 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.112.998 ca, trong đó 26.190 người tử vong. Số ca mắc mới chủ yếu tập trung ở Indonesia, Philippines và Malaysia. Singapore và Thái Lan ghi nhận trên 10 ca mắc. Campuchia thêm một ca mắc mới.
Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng thêm 4.360 ca, nâng tổng số ca lên 497.668 ca; số ca tử vong tăng thêm 110 ca, nâng tổng số ca lên lên 15.884 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN trong ngày 22/11.
Đứng thứ hai là Philippines khi có thêm 1.968 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc lên 418.818 ca; số ca tử vong tăng thêm 43 ca, lên 8.123.
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/11 là Malaysia. Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận 1.096 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 54.775 ca, là ngày thứ hai liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca mắc ở 4 con số.
Trong khi đó, Campuchia ghi nhận một ca dương tính với Covid-19 ngày 22/11. Thanh niên 27 tuổi về thủ đô Phnom Penh ngày 26/10 và ở trung tâm cách ly từ đó tới nay vì 4 hành khách cùng chuyến bay đã xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19 vào ngày 27/10 và 8/11.