📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 24/4

Quang Đào 09:30 | 24/04/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, ASEAN-Mỹ thúc đẩy các nỗ lực phòng chống Covid-19, ảnh hưởng của Covid-19 tới các dự án thủy điện... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN hôm nay.
Binh sĩ Malaysia đặt rào chắn để thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN: Đại dịch hạ nhiệt ở nhiều nước

Tính tới rạng sáng 24/4, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng trên 35.078 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.758 ca mắc mới và 1.272 người tử vong, số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 9.045 trường hợp.

Singapore tiếp tục ngày thứ 11 liên tiếp là quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực. Ngày 23/4 đã ghi nhận thêm 1.037 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 11.178 người. Singapore đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4 như giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%, đóng cửa như các cửa hàng bán đồ uống đơn lẻ, các hiệu cắt tóc, giặt là... nhằm ngăn dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh.

Tại Indonesia, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 357 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 7.775 người. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ghi nhận 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 647 người.

Bộ Y tế Philippines ngày 23/4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 16 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 và 271 ca nhiễm virus mới. Tổng số ca tử vong do mắc Covid-19 đã tăng lên 462 người trong khi tổng số ca nhiễm virus đã lên tới 6.981 người.

Malaysia ghi nhận tổng số 5.603 ca mắc bệnh, trong đó có 95 ca tử vong và 3.542 ca đã khỏi bệnh. Trong một tuần qua, số ca nhiễm mới ở Malaysia liên tục duy trì ở mức 2 con số thay vì 3 con số như một tháng trước đó.

Thái Lan ngày 23/4 ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.839 ca và 50 ca tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất tại Thái lan trong 40 ngày qua và đang trên đà giảm xuống gần một con số. Lần gần đây nhất Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số là ngày 14/3 với 7 ca.

Như vậy, Singapore tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Các quốc gia còn lại trong khu vực như Lào, Campuchia Brunei không ghi nhận những chuyển biến đáng kể.

Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch Covid-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 268. Tính đến ngày 24/4, Việt Nam đã sang ngày thứ 8 liên tiếp không phát sinh ca dương tính mới.

(TGVN/TTXVN)

Ngày 23/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự họp trực tuyến ASEAN-Mỹ về Covid-19. (Ảnh: Tuấn Anh)

Quan hệ ASEAN-Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực phòng chống Covid-19

Hội nghị trực tuyến Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ về Covid-19 đã diễn ra ngày 23/4, với sự góp mặt của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Hội nghị được đồng tổ chức bởi Mỹ và Lào, với tư cách là Điều phối viên quốc gia về Quan hệ Đối thoại ASEAN-Mỹ.

Trao đổi về tình hình dịch bệnh, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Mỹ chia sẻ quan ngại trước việc Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng; đồng thời thông tin về kinh nghiệm ứng phó của các nước và khu vực.

Trên cơ sở đó, các nước trao đổi, thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp kiểm soát và ngăn chặn Covid-19, khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế khác.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, đến nay, Mỹ đã tài trợ y tế 35,3 triệu USD để giúp các nước ASEAN chống lại virus. Như vậy, trong 20 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ toàn bộ các nước ASEAN lên tới 3,5 tỷ USD trong lĩnh vực y tế công cộng.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với ASEAN để đánh bại đại dịch này và quay trở lại việc cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho khu vực”, ông Pompeo cho biết.

“Chúng tôi cảm ơn các đối tác ASEAN vì sự hỗ trợ quý báu của họ trong việc thúc đẩy dòng chảy tiếp tế của các nguồn cung cấp y tế quan trọng vào Mỹ, cũng như hỗ trợ của họ cho các chuyến bay hồi hương của chúng tôi”.

(TGVN)

Hàn Quốc tổ chức hội thảo trực tuyến cho các quan chức ASEAN về phản ứng dịch Covid-19

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ngày 22/4, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến về các phản ứng với dịch Covid-19 cho ASEAN, như một phần trong nỗ lực giúp các đối tác nước ngoài đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19.

Hội thảo diễn ra bởi nhiều quốc gia muốn tìm hiểu về hệ thống kiểm dịch và điều trị của Hàn Quốc đã được công nhận trên toàn cầu, trong bối cảnh các ca nhiễm ở quốc gia này có dấu hiệu chậm lại.

Việc tổ chức những thảo như này cũng là một phần trong các cam kết của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với các nước ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản đầu tháng này.

Do Bộ Y tế Hàn Quốc và các tổ chức liên quan đồng tổ chức, Hội thảo trực tuyến đã thu hút hơn 800 quan chức y tế và các chuyên gia y tế từ các nước tham gia.

Hàn Quốc gần đây đã tổ chức một loạt các hội nghị trực tuyến tương tự với Mỹ, Italy và các quốc gia Nam Mỹ.

(Yonhap)

Đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong ở Lào. (Nguồn: Thai PBS World)

Ảnh hưởng của Covid-19 tới các dự án thủy điện tại Đông Nam Á

Các dự án đập thủy điện chưa hoàn thành tại Đông Nam Á, đặc biệt trên dòng chính sông Mekong và các phụ lưu, đang có nguy cơ bị đình trệ và đóng cửa vì ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp lớn, các thị trường năng lượng và vấn đề an toàn lao động.

Sau khi một lao động thuộc một công ty khai mỏ nhiễm virus SARS-n-CoV gây bệnh Covid-19, Chính phủ Lào đã ra lệnh tạm dừng việc xây dựng các đập thủy điện trên cả nước. Việc tham vấn về các công trình tương lai, trong đó có dự án đập Luang Prabang cũng bị hoãn.

Trong bối cảnh khu vực phải chịu hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua và tác động ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu, các nhà quan sát nghi ngờ về tương lai của các dự án lớn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thái Lan - nhà nhập khẩu điện lớn của các nước láng giềng, đã giảm mua điện từ nước ngoài vì phải đối mặt với nguồn cung thừa nghiêm trọng (có thể lên đến 18.000 MW) đối với nhu cầu giảm mạnh trong nước.

Theo một nhà hoạt động môi trường, 18.000 MW tương đương 3 lần lượng điện mà Thái Lan đang nhập từ các nước láng giềng, lớn hơn tổng công suất thiết kế của 11 con đập trên dòng chính hạ nguồn Mekong; do vậy việc mua điện từ các đập lớn là không cần thiết đối với an ninh năng lượng của Thái Lan.

Đối với Lào, các rủi ro và chi phí đã tăng lên. Sản lượng điện của các nhà máy thủy điện hiện có của Lào đã cao hơn nhu cầu trong giai đoạn này. Biến đổi khí hậu cũng đã ảnh hưởng xấu đến Lào và là một trong những lý do khiến Chính phủ phải xem xét thận trọng việc phụ thuộc vào thủy điện.

Báo cáo mới đây về việc Trung Quốc cố tình giữ nước ở thượng nguồn sông Mekong làm yếu dòng chảy và khô hạn ở hạ lưu càng làm tăng quan ngại về độ tin cậy của các con đập. Một dự báo của Ủy hội sông Mekong cho rằng lượng nước sông Mekong chảy qua Vientine hàng năm sẽ giảm 50% trong 40 năm tới nếu xuất hiện “kịch bản khí hậu khô”.

Cuối năm ngoái, một quan chức Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, các dự án điện mặt trời đang được cân nhắc như là một sự bổ sung hoặc thay thế cho thủy điện ít tin cậy: tháng trước, Chính phủ đã quyết định hoãn các dự án mới trên sông Mekong trong 10 năm tới. Điều này có nghĩa là 2 dự án tiềm năng Stung Treng và Sambor có thể sẽ không được triển khai.

Năm ngoái, Campuchia thiếu điện nghiêm trọng suốt mùa khô; và do việc tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo còn ở giai đoạn đầu, nên các nhà máy điện than có thể sẽ có tầm quan trọng trong ngắn hạn do chi phí thấp và có thể tin cậy được.

Một quan chức của Ủy hội sông Mekong cho rằng, giá xăng thấp hiện nay sẽ khiến nhiều quốc gia tìm kiếm nguồn cung điện rẻ hơn. Tuy nhiên, biến động vừa qua trên thị trường dầu mỏ lại làm nổi bật tính ổn định tương đối mà dòng tiền từ các dự án năng lượng tái tạo, như thủy điện, có thể mang lại cho các nhà đầu tư trong dài hạn.

(Channel News Asia)

Chơi thể thao sẽ giúp trẻ tự kỷ cải thiện các kỹ năng xã hội. (Nguồn: Nasom)

Phụ huynh mong Đại hội Thể thao Trẻ Tự kỷ ASEAN được tổ chức vào tháng 12

Các sự kiện thể thao đã bị hủy bỏ hay trì hoãn ở khắp mọi nơi do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều gia đình có trẻ tự kỷ đang hy vọng Đại hội Thể thao Trẻ Tự kỷ ASEAN (AAG) sẽ được tổ chức như dự kiến vào tháng 12.

Nằm trong Mạng lưới Tự kỷ ASEAN, AAG là phong trào thể thao bao gồm 10 tổ chức phi chính phủ từ các nước ASEAN. Đại hội được tổ chức 2 năm một lần kể từ năm 2016, nhằm thúc đẩy lợi ích của những môn thể thao cạnh tranh dành cho những người mắc chứng tự kỷ.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy các hoạt động thể chất có cấu trúc giúp cải thiện toàn diện kỹ năng xã hội và tương tác xã hội ở trẻ tự kỷ. Một số nghiên cứu nghiên cứu chỉ ra các trò chơi lặp đi lặp lại như bóng rổ và bowling cũng có thể giúp cải thiện kỹ năng tư duy và kỹ năng vận động cho trẻ tự kỷ.

AAG 2020 sẽ được tổ chức tại Malaysia, với 2 thể thức: thi đấu cạnh tranh và thi đấu vui vẻ, bao gồm những môn như điền kinh và bowling. AAG 2018 tại Jakarta đã thu hút khoảng 200 người tham gia.

(The Star)