📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 25/3

Quang Đào 09:30 | 25/03/2020
TGVN. Dịch Covid-19 tại ASEAN chậm lại nhưng sẽ bùng phát mạnh hơn nữa, Campuchia sẽ là thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19... là những thông tin được cập nhật trong bản tin ASEAN hôm nay.
Cứ ngỡ rằng ASEAN không bị dịch Covid-19 tấn công mạnh như Italy hay Hàn Quốc... (Nguồn: Getty)

Covid-19 tại ASEAN: Dịch bệnh đến muộn nhưng sẽ bùng phát mạnh hơn

Đông Nam Á và Trung Quốc nằm ngay sát nhau về mặt địa lý cũng như có quan hệ kinh tế chặt chẽ. Dịch Covid-19 thực sự là một thách thức lớn đối với khu vực về mặt kinh tế, cộng với việc du lịch giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề do hạn hán nghiêm trọng đang khiến nhiều nước Đông Nam Á phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2020.

Cứ ngỡ rằng ASEAN không bị dịch bệnh tấn công mạnh như Italy hay Hàn Quốc do trong hai tháng đầu, ASEAN chỉ ghi nhận 755 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của các ca nhiễm mới vào giữa tháng 3 cho thấy ASEAN có thể phải đối mặt với một thách thức mới, đấu chọi với các ca nhiễm chéo xảy ra ở nội bộ khu vực.

Thái Lan ngày 14/3 chỉ ghi nhận 82 ca nhiễm nhưng con số vọt lên đến 827 ca vào ngày 25/3, trong đó chỉ có một ít ca nhiễm đến từ nước ngoài. Phần lớn sự gia tăng các ca nhiễm mới được xác nhận là lan truyền trong cộng đồng, có thể là do các sự kiện thể thao và địa điểm giải trí ở trung tâm thành phố Bangkok.

Tại Malaysia, các cuộc tụ họp tôn giáo quy mô lớn vẫn diễn ra và số lượng các ca nhiễm mới cũng "đột biến" từ 29 ca ngày 1/3 lên đến 1.624 ngày 25/3. Lào và Myanmar, được coi là phòng tuyến cuối cùng của ASEAN, cũng đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong ngày 24/3.

Nói chung, tuy có bước đầu thành công trong công tác phòng dịch, nhưng ASEAN đã lộ ra một số hạn chế trong cách tiếp cận khi chưa thực sự mạnh tay trong việc ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người. Chỉ có thời gian mới biết được liệu phản ứng có chút muộn màng này có thể kiềm chế, ngăn cho sự bùng phát dịch diễn ra nghiêm trọng hơn nữa hay không.

Tuy nhiên, các nước ASEAN đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất, với khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để cùng chung tay chống lại đại dịch Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiếp tục kêu gọi các nước ASEAN cần phải hành động quyết liệt hơn nữa, với nhấn mạnh bây giờ là thời điểm để các nước chung tay hợp tác cùng nhau đối phó với dịch bệnh.

(Relief Web)

Xét nghiệm Covid-19: Malaysia đi đầu tại ASEAN, thậm chí hơn cả một số nước châu Âu

Chiến lược xét nghiệm tích cực của Malaysia đối với Covid-19 đã vượt xa các nước hàng xóm ở ASEAN và thậm chí là một số quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến số lượng ca nhiễm mới ngày một tăng cao, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh cũng dễ kiểm soát hơn.

Theo đó, Malaysia đã làm khoảng 482 xét nghiệm/1 triệu người, cao hơn từ 4-81 lần so với các quốc gia ASEAN khác (với tỷ lệ từ 6-109 xét nghiệm/1 triệu người), thậm chí còn cao hơn một số nước châu Âu.

Theo JP Morgan, tình hình dịch ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, với khoảng 6.300 ca, với việc hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giớ sẽ làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

(Bernama)

Campuchia sẽ là thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19

ADB: Campuchia sẽ là thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết kinh tế Campuchia sẽ bị lỗ khoảng 390 triệu USD do tác động của dịch Covid-19 và sẽ chịu những tác động tồi tệ nhất về mặt kinh tế trong các nước ASEAN. Chính phủ Campuchia cũng đã hạ dự báo dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn 6,1% (so với 6,5%) do Covid-19, biến đổi khí hậu và địa chính trị.

ADB cũng dự báo thiệt hại kinh tế trên toàn khu vực châu Á: Thái Lan được dự báo sẽ mất 5.601 triệu USD hoặc -1,11% GDP, Singapore là 1.047 triệu USD (-0,57%) và Việt Nam là 1,012 triệu USD (-0,41%). Lào cũng được dự báo sẽ mất 39,27 triệu USD hoặc -0,22% GDP, Malaysia 830 triệu USD (-0,23%), Philippines 989 triệu USD (-0,3%), Indonesia 2,263 triệu USD (-0,22%) và Brunei là 28 triệu USD (-0,21%).

Theo ADB, virus corona khiến toàn cầu thiệt hại khoảng 77 tỷ đến 347 tỷ USD, với Trung Quốc chiếm 2/3 tổng số đó. Covid-19 khiến Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác ảnh hưởng qua nhiều kênh, bao gồm nhu cầu nội địa và du lịch giảm mạnh, giảm liên kết thương mại và sản xuất, gián đoạn nguồn cung ứng và các vấn đề về y tế.

(Phnom Penh Post)

Kinh doanh nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ASEAN

Năng lực cạnh tranh của kinh doanh nông nghiệp đã thực sự gia tăng trong ASEAN và khối cần tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo báo cáo của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản.

Theo đó, báo cáo nói rằng kinh doanh nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của ASEAN, chiếm trung bình 12% GDP trong năm 2018.

Kinh doanh nông nghiệp cũng cung cấp việc làm và sinh kế cho 100 triệu người dân tại ASEAN (chiếm 1/6 tổng dân số). Đây cũng là một nguồn thu thương mại chính ở nhiều nước ASEAN. Xuất khẩu giá trị gia tăng của ASEAN trong kinh doanh nông nghiệp lên tới 102 tỷ USD trong năm 2015. Các sản phẩm nông nghiệp cũng chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015.

Việc tham gia và thúc đẩy các chuỗi giá trị toàn cầu cho kinh doanh nông nghiệp có thể cung cấp cho ASEAN cơ hội tăng năng lực sản xuất bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư và công nghệ nước ngoài.

Nhật Bản cũng đã hỗ trợ một cách mạnh mẽ cho kinh doanh nông nghiệp trong ASEAN, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản đã đề xuất những khuyến nghị chính sách để tăng năng suất nông nghiệp cũng như để tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(Trung tâm ASEAN-Nhật Bản)