Tính đến nay, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại toàn bộ 34 tỉnh thành của Indonesia. (Nguồn: THX) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 25/8, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 là trên 420.699 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 10.015 người. Trong đó, ASEAN ghi nhận thêm 6.653 ca mắc mới và 92 ca tử vong trong ngày.
Quốc gia | Tổng số ca mắc | Ca mắc mới | Tổng số ca tử vong | Ca tử vong mới | Ca phục hồi |
Philippines | 194.252 | +4.686 | 3.010 | +13 | 132.042 |
Indonesia | 155.412 | +1.877 | 6.759 | +79 | 111.060 |
Singapore | 56.404 | +51 | 27 | 54.587 | |
Malaysia | 9.274 | +7 | 125 | 8.965 | |
Thái Lan | 3.397 | +2 | 58 | 3.222 | |
Việt Nam | 1.022 | +6 | 27 | 587 | |
Myanmar | 474 | +24 | 6 | 341 | |
Campuchia | 273 | 263 | |||
Brunei | 143 | 3 | 139 | ||
Lào | 22 | 20 |
Tại Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay. Hơn 1 tuần qua, Philippines luôn ghi nhận số ca mắc mới/ngày ở mức trên 3.000 ca.
Ngày 24/8, Bộ Y tế Philippines thông báo có 4.686 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 194.252 ca. Trong khi đó, nước này hiện ghi nhận tổng cộng 3.010 ca tử vong.
Bộ Y tế Indonesia thông báo có 1.877 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại "quốc gia vạn đảo" lên 155.412. Ngoài ra, với thêm 79 ca không qua khỏi, hiện có tổng cộng 6.759 ca tử vong. Tính đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 34 tỉnh thành của Indonesia.
Ngày 24/8 tại Myanmar, giới chức y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc mới Covid-19, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh tại Myanmar lên 474 người.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tại Việt Nam, bản tin 6h sáng 25/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết không ghi nhận ca mắc mới. Đây là sáng thứ 5 liên tiếp không có ca bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 146 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.
(TGVN/TTXVN)
Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Chiều 24/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, hội nghị tham vấn trực tuyến của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) đã diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và các đại diện của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đánh giá cao sự chủ động của Hội đồng Kinh doanh ASEAN và cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp là rất cần thiết không chỉ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 mà còn trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, nhất là trước các thách thức của thời kỳ mới.
Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của năm ASEAN 2020, các Bộ trưởng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp ASEAN phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động Hà Nội và Kế hoạch hành động do ASEAN và các nước đối tác ngoại khối như: Nhật Bản, các nước ASEAN+3 thông qua nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 trong khu vực và củng cố chuỗi cung ứng khu vực, góp phần hồi phục kinh tế khu vực sau đại dịch.
(TTXVN)
Thanh niên Đông Nam Á trước nguy cơ thất nghiệp lớn
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thay đổi lớn với nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu. Trong tháng 4 năm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đưa ra cảnh báo rằng nếu tới tháng 9 dịch vẫn chưa được kiểm soát, 68 triệu người lao động trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc. Đặc biệt, nhóm những người trẻ tuổi từ 15 – 24 tuổi sẽ càng có ít lựa chọn khi tìm kiếm việc làm hơn.
Ngân hàng Phát triển Châu Á mới đây đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện một báo cáo về tình hình lao động trong bối cảnh Covid-19. Báo cáo chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng bởi đại dịch này sẽ ảnh hưởng tới mỗi người lao động theo những cách khác nhau, tùy vào vị trí của người đó trên thị trường lao động.
Một khảo sát khác của nhóm chuyên nghiên cứu về người lao động trẻ của ILO cho biết nhóm lao động ít hơn 25 tuổi sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn khoảng 3 lần so với những người từ 25 tuổi trở lên. Nguyên nhân thất nghiệp tới từ việc các công ty dừng hoạt động trong thời gian dịch, hoặc nhóm lao động trẻ, ít kinh nghiệm này bị sa thải.
Ngoài ra, người lao động trẻ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ, bán hàng, thủ công và các ngành liên quan khác sẽ có khả năng mất việc cao hơn các nghề khác trong thời điểm hiện tại. ILO cho rằng giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu sử dụng người lao động trong các ngành nghề cần tiếp xúc với khách hàng giảm hẳn.
Thị trường lao động cần các biện pháp ứng phó khẩn cấp với quy mô lớn, mục tiêu rõ ràng. Một trong các khuyến nghị của ILO là cần thiết kế các chương trình kích thích thị trường lao động, nhắm vào các đối tượng cụ thể.
(ASEAN Post)
Bóng đá Đông Nam Á trở lại giữa dịch Covid-19
Sau hơn 5 tháng tạm dừng vì dịch Covid-19, Giải VĐQG Malaysia (M.League) đã khởi tranh trở lại vào ngày 22/8. Đó là những trận đấu muộn của vòng 4 Giải VĐQG cũng như hạng Nhất nước này.
Cũng trở lại sau 5 tháng tạm hoãn là Giải VĐQG Myanmar khi chiều 22/8 đã diễn ra hai trận đấu thuộc vòng 10. Các trận đấu này đều diễn ra trong bối cảnh tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ.
Trước đó, hai giải VĐQG Lào và Campuchia cũng đã trở lại bình thường.
Trong khi đó, Giải VĐQG Thái Lan ấn định trở lại vào ngày 12/9, còn Giải VĐQG Indonesia dự kiến trở lại trong tháng 10.
(AFC)