Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Philippines. (Nguồn: AFP) |
Cập nhật tình hình Covid-19
Tính đến rạng sáng ngày 2/6, ASEAN có thêm 1.470 ca nhiễm Covid-19 so với ngày hôm trước, ghi nhận tổng cộng 92.674 ca nhiễm. Tổng số ca tử vong được ghi nhận là 2.804 người, tăng 31 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về cả số ca tử vong, trong khi Philippines có số ca nhiễm virus mới cao nhất khu vực
Bộ Y tế Indonesia cho biết đã ghi nhận thêm 467 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong trong ngày 1/6, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này lên lần lượt là 26.940 ca và 1.641 ca. Tính đến ngày 1/6, số bệnh nhân phục hồi tại Indonesia là 7.637 người.
Cùng ngày, truyền thông Indonesia đưa tin một cụ bà 100 tuổi tại Indonesia đã bình phục hoàn toàn sau khi mắc bệnh Covid-19, trở thành người cao tuổi nhất tại Indonesia chiến thắng căn bệnh chết người này. Cụ bà Kamtim, sinh năm 1920, đã phải nhập viện tại thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java tháng Tư vừa qua.
Ngày 1/6, Singapore ghi nhận 408 ca mắc Covid-19 nâng tổng số ca bệnh lên 35.292, trong đó có 23 trường hợp tử vong. Nước này đã điều trị khỏi cho 21.699 bệnh nhân.
Chính phủ Singapore sẽ xây dựng các khu ký túc xá công nhân mới nhằm cải thiện điều kiện sống dành cho lao động nhập cư sau làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 hiện nay.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 1/6, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 552 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 18.638 ca và 960 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 3.979 người. Philippines hiện có số ca nhiễm cao thứ ba và số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng ngày, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại, trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch Covid-19 để phục hồi kinh tế.
Malaysia đến hết ngày 1/6 ghi nhận thêm 38 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.857 ca và không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Còn Myanmar ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 228.
Thái Lan chỉ ghi nhận một trường hợp từ nước ngoài về mắc bệnh Covid-19 và không có ca tử vong mới. Đây là ngày thứ 7 quốc gia Đông Nam Á này không phát hiện trường hợp mắc Covid-19 nào trong cộng đồng.
Ngày 1/6, Thái Lan bắt đầu bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa, với thêm nhiều loại hình kinh doanh và dịch vụ như vườn thú, rạp hát, phòng tập… được phép mở cửa trở lại, lệnh giới nghiêm cũng được rút ngắn 1 tiếng, chỉ còn từ 23h hôm trước đến 3h ngày hôm sau. Theo kế hoạch, việc mở cửa trở lại toàn bộ đất nước trong tháng 7 là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch gồm 4 giai đoạn nới lỏng phong tỏa kéo dài 2 tháng tại Thái Lan.
Các quốc gia như Brunei, Lào và Campuchia tiếp tục chuỗi ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới nào.
Việt Nam tính đến 6h ngày 2/6 không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Đến nay, đã 47 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng, chỉ còn 18 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
(TGVN/TTXVN)
Đông Nam Á đẩy mạnh vai trò trong chế tạo vaccine chữa Covid-19
Trên thế giới có khoảng 150 dự án phát triển vaccine để chống lại đại dịch Covid-19, trong đó có 8 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang cố gắng đẩy mạnh các công trình nghiên cứu của mình.
Tại Việt Nam, công ty Vabiotech đang tiến hành thử nghiệm vaccine, hợp tác với Đại học Bristol (Anh). ác thử nghiệm ban đầu cho thấy kết quả hứa hẹn khi 50 con chuột được thử nghiệm đều sống gót và giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào tháng 6. Nếu thành công hơn nữa, Vabiotech sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình.
Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan cũng cam kết sẽ đưa ra các loại vaccine Covid-19 riêng của mình.Tuy nhiên, một số nhà khoa học dự đoán sẽ vẫn mất từ 12 đến 18 tháng để các loại vaccine mới có thể được đưa ra sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nói rằng, chỉ có khoảng 10% số vaccine đang được nghiên cứu mới có thể đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người.
(ASEAN Today)
Các học giả đến từ ASEAN đều nhìn nhận Ấn Độ là một người bạn tốt và đối tác gần gũi. |
Ấn Độ - ASEAN gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực
Ngày 30/5 đã diễn ra hội thảo trực tuyến "Gắn kết thương mại và địa chính trị Ấn Độ - ASEAN" do Tổ chức nghiên cứu chính sách và trao quyền (SPRE) có trụ sở tại New Delhi tổ chức gần đây với các diễn giả đến từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Lào cùng nhiều đại biểu đến từ Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Mỹ...
Các học giả đến từ ASEAN đều nhìn nhận Ấn Độ là một người bạn tốt và đối tác gần gũi. Các bên cần tiếp tục làm việc để củng cố mối quan hệ song phương và cần tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ nhân dân. Tiến sĩ Faisal Ahmed Trường Quản lý FORE đánh giá ASEAN là khu vực tiến bộ về kinh tế, sôi động về văn hóa và có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN có chung mối quan hệ văn minh và văn hóa mạnh mẽ.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đóng vai trò chiến lược trong cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tiến sĩ Ahmed cho rằng cả Ấn Độ và ASEAN đều có ý nghĩa chiến lược và kinh tế với nhau. Trong năm 2018-19, thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 97 tỷ USD, thương mại dịch vụ đạt 45 tỷ USD.
(Diplomatist)
Những thách thức mới của ASEAN
Năm 2020 đánh dấu một nửa quá trình 10 năm hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Hành trình bắt đầu với việc thành lập chính thức Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, và hội nhập khu vực sâu sắc hơn về chính trị và an ninh sâu sắc hơn trong 5 năm tới.
Các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trong ASEAN năm nay đã đánh giá tiến bộ đạt được về sự gắn kết chính trị, hội nhập kinh tế và trách nhiệm xã hội như một khu vực hướng ngoại trong cộng đồng toàn cầu.
Nhưng đại dịch Covid-19 đang khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn, tạo ra những điều kiện bất lợi hơn cho chủ nghĩa đa phương. ASEAN và các cơ quan quốc tế tương tự cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi các lệnh hạn chế đi lại, giãn cách xã hội đã khiến các cuộc họp, hội nghị không thể thực hiện được.
Nhưng nhờ khả năng điều chỉnh lịch trình linh hoạt, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhanh chóng thích nghi với tình hình bằng các cuộc họp trực tuyến, chủ yếu là về phương pháp phòng chống dịch. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành y tế công cộng mà còn cho các kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng của ASEAN trong bối cảnh bình thường mới.
Ngoài ra, với các thách thức tiếp tục nổi lên như cạnh tranh Mỹ-Trung, tình hình ở Biển Đông, có những dấu hiệu cho thấy thế giới và ASEAN sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn vĩnh viễn và những điều chỉnh mới khi chuyển sang thời kỳ hậu đại dịch.
Tuy nhiên, điều này mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đánh giá lại và củng cố các hệ thống và thể chế để có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
(Bangkok Post)