Việt Nam tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
Chiều 27/10, tại trụ sở Chính phủ, UB Quốc gia ASEAN 2020 đã họp phiên thứ sáu, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.
Trọng tâm của phiên họp lần này là rà soát tổng thể các nhiệm vụ, công việc đã và đang triển khai, nhất là tình hình, tiến độ triển khai các nội dung, sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN 2020 và thảo luận định hướng triển khai các trọng tâm công tác sắp tới, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan dự kiến diễn ra trong tháng 11 tới. Đây là đợt hội nghị lớn, quan trọng nhất trong năm, có ý nghĩa quyết định với thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Cùng ngày, tại thủ đô Pretoria đã diễn ra cuộc họp giữa Đại sứ các nước thuộc ASEAN tại Nam Phi, do Đại sứ Việt Nam Hoàng Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Pretoria chủ trì.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 của nước chủ nhà Việt Nam, các Đại sứ ASEAN tại Pretoria đều có chung nhận định, Việt Nam không chỉ làm rất tốt công tác hậu cần cho Hội nghị quan trọng này, mà còn tích cực đề xuất và thúc đẩy các ưu tiên sáng kiến trong năm, đạt được nhiều kết quả thực chất, đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, vừa nỗ lực ứng phó hiệu quả với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, vừa phục hồi toàn diện.
(TGVN/TTXVN)
Bốn nước ASEAN chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác năng lượng
Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore ngày 26/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Singapore Tan See Leng cho biết, Bản ghi nhớ về Dự án Hợp nhất Năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP) dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Năng lượng lần thứ 38, do Việt Nam đăng cai tổ chức vào giữa tháng 11.
Báo cáo tháng 9/2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, LTMS-PIP hiện liên quan đến việc bán điện từ Lào sang Malaysia, với Thái Lan đóng vai trò là quốc gia trung chuyển.
Thiết lập giao dịch năng lượng đa phương sẽ cho phép các quốc gia thành viên ASEAN khai thác các lợi ích tiềm năng của một hệ thống năng lượng ASEAN hợp nhất, giúp giảm chi phí và tăng khả năng hợp nhất các nguồn năng lượng tái tạo.
Để bảo đảm tương lai năng lượng bền vững, 10 quốc gia thành viên ASEAN cần phải nhất trí giảm mật độ hệ thống sản xuất năng lượng hiện tại và phát triển năng lượng tái tạo. Trong khối ASEAN, hiện cũng có việc thảo luận sâu rộng về việc thúc đẩy sử dụng khí đốt tự nhiên thông qua một thị trường khí đốt khu vực kết nối và được điều phối hiệu quả.
(TTXVN/Strait Times)
Cuộc gặp gỡ lãnh đạo các Tổ chức hữu nghị nhân dân ASEAN-Trung Quốc tại đầu cầu Bắc Kinh. (Nguồn: CGTN) |
Thúc đẩy hợp tác hữu nghị nhân dân Trung Quốc-ASEAN
Ngày 26/10 đã diễn ra Cuộc gặp gỡ lãnh đạo các Tổ chức hữu nghị nhân dân ASEAN-Trung Quốc lần thứ ba qua hình thức trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của Hội trưởng Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lâm Tùng Thiêm, Hội trưởng Hội Trung Quốc-ASEAN Cố Tú Liên; lãnh đạo các tổ chức hữu nghị nhân dân các nước ASEAN với Trung Quốc. Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc đã tham dự và chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Thơ cho biết, các nước ASEAN đánh giá cao việc Trung Quốc tích cực thực hiện các cam kết như hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tham gia các sáng kiến của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh mạng, hợp tác biển, ứng phó thiên tai, kết nối, giao lưu nhân dân...
“Hơn bao giờ hết, việc tăng cường đoàn kết trong ASEAN, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tăng cường tin cậy và tình hữu nghị giữa ASEAN-Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ sở vững chắc để mỗi nước và khu vực chúng ta có thể khôi phục kinh tế và tiếp tục phát triển, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên giới”, ông Nguyễn Văn Thơ phát biểu.
Về phía Trung Quốc, bà Cố Tú Liên cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, trật tự quốc tế và mô hình thế giới, đồng thời đánh giá cao sự ủng hộ lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Hội trưởng Hội Trung Quốc-ASEAN hy vọng các tổ chức hữu nghị của các nước sẽ đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác cùng có lợi để đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.
(Thời đại/CGTN)
Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Tính đến rạng sáng ngày 28/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 909.292 ca mắc Covid-19, tăng 7.359 ca, trong đó có 22.075 ca tử vong.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 3.500 ca/ngày. Trong khi đó, Malaysia cho biết đang cách ly 10.000 cảnh sát trong một động thái quyết liệt ngăn ngừa dịch lây làn.
Ngày 27/10, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 4 con số, nâng tổng số ca mắc lên trên 47.600 ca và 1.147 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 1.524 ca mắc Covid-19 và 14 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 373.144 và 7.053.
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 27/10/2020 (Theo số liệu của worldometers.info). |
(TTXVN)