Ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Mekong. (Nguồn: Khmer Times) |
Xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm nhựa trên sông Mekong
Tháng 2 vừa qua, trong một hội thảo tại Vientiane (Lào), do Ban Thư ký Ủy ban Sông Mekong (MRC) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức, khoảng 50 quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu đến từ 4 quốc gia sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã cùng thảo luận về phương pháp đánh giá để nghiên cứu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Mekong.
Ngoài ra, tại Hội thảo, 4 quốc gia trên đã thống nhất tiếp tục hợp tác, nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết và bằng chứng khoa học về tình hình ô nhiễm nhựa tại khu vực cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường và con người ở đây, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách để giải quyết vấn đề này.
Việc đánh giá sẽ liên quan đến việc giám sát và thu gom các mảnh vụn nhựa và chất thải khác tại 5 địa điểm ở các thành phố lớn dọc sông Mekong là Chiang Rai, Vientiane, Ubon Ratchathani, Phnom Penh và Cần Thơ.
Hội thảo là một phần của dự án “Counter-MEASURE” (Dự án thúc đẩy các biện pháp đối phó với rác nhựa biển ở Đông Nam Á và Ấn Độ) của UNEP và được tài trợ bởi chính phủ Nhận Bản.
Còn tại tiểu vùng sông Mekong, MRC và UNEP đang phối hợp thực hiện dự án này. TS. An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của Ban thư ký MRC cho biết việc hợp tác với UNEP là hợp thời điểm, do các quốc gia thành viên sẽ tiến hành đánh giá về tình trạng và xu hướng của rác thải nhựa, bao gồm cả khung pháp lý và thể chế về quản lý ô nhiễm nhựa, thuộc kế hoạch hoạt động hàng năm của MRC cho năm 2020.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Technology tháng 11/2017, Mekong là một trong 10 dòng sông mang 88-95% rác thải nhựa ra các đại dương trên thế giới. Ngoài ra còn có các báo cáo khác nói về lối sống dựa quá nhiều vào nhựa trên khắp các khu vực xung quanh sông Mekong mà không có biện pháp nào để đối phó.
(Vientiane Times)
ASEAN tìm cách thúc đẩy thương mại nội khối
Tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN theo hướng gắn kết và chủ động thích ứng là một trong những chủ đề được nhiều quan chức, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách khu vực quan tâm.
Với dân số 600 triệu người, ASEAN là một trong những khu vực năng động nhất và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và toàn cầu hóa gia tăng, yếu tố ảnh hưởng nhất đến thương mại ASEAN là hàng rào thuế quan.
Khi thuế quan đối với hầu hết tất cả hàng hóa và dịch vụ được giảm xuống gần như bằng không, nó sẽ giúp tăng liên kết giữa các nền kinh tế ASEAN.
Một thách thức khác mà ASEAN phải đối mặt là việc hoàn thành Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với một số vấn đề chưa được giải quyết với Ấn Độ. Nếu RCEP thành công, khu vực này sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng, chiếm 39% GDP toàn cầu.
Để thúc đẩy hợp tác thương mại nội khối, các quốc gia thành viên ASEAN cũng cần xem xét các thách thức thương mại trong khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong nội bộ các nền kinh tế thành viên để khai thác các khu vực tiềm năng của mỗi quốc gia.
(Vietnamplus)
(Nguồn: Reuters) |
Các nước ASEAN cân nhắc chọn Huawei làm nhà cung cấp dịch vụ 5G
Tiến sĩ Aladdin Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN cho biết, các quốc gia thành viên sẽ cân nhắc sử dụng các sản phẩm của Huawei để tận dụng công nghệ 5G nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặc cho các rủi ro an ninh mạng tiềm ẩn được cảnh báo bởi Mỹ.
ASEAN coi 5G là công cụ thay đổi cuộc chơi cho các ngành như thương mại điện tử, công nghệ tài chính và phát triển thành phố thông minh. “Huawei là một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của 5G và chúng tôi muốn tận dụng điều đó. Cho dù những cáo buộc về an ninh của Huawei là có cơ sở hay không, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho mọi người”, ông Rillo trả lời phỏng vấn ở Trung tâm Minh bạch An ninh mạng Huawei tại Brussels (Bỉ) tuần trước.
Trung tâm này của Huawei được mở vào năm 2019, ở giữa lòng Liên minh châu Âu khi họ cố gắng chứng minh sự minh bạch của mình với các lãnh đạo trong khu vực và chống lại các cáo buộc của Mỹ rằng các thiết bị đem lại rủi ro về an ninh mạng.
Năm nay, Singapore có kế hoạch đưa công nghệ 5G vào ứng dụng thực tiễn, trong khi Malaysia có kế hoạch phân bổ các dải tần số vô tuyến cho các nhà cung cấp dịch vụ 5G. Các nhà mạng di động tại Việt Nam và Campuchia đang hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị để thiết lập các cơ sở hạ tầng cần thiết.
Ngoài ra, theo báo cáo của công ty tư vấn quản lý A.T Kearny, Thái Lan, Việt Nam và Philippines sẽ tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua 5G.
Hiện tại, Mỹ vẫn chưa gây áp lực lên ASEAN trong việc không sử dụng công nghệ của Huawei, mặc cho việc nước này đã nhiều lần lên tiếng chống lại Huawei với các nước châu Âu.
Ông Rillo cũng cho biết thêm, so với các đối thủ ở châu Âu là Ericsson và Nokia, Huawei có lợi thế hơn do sự gần gũi về mặt địa lý và quan hệ mạnh mẽ giữa ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư FDI lớn thứ ba của khối.
(SCMP)
ASEAN mới đạt được 82% chỉ số phát triển con người tiềm năng
Trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), ASEAN mới chỉ đạt được 82% chỉ số phát triển con người (HDI) tiềm năng do sự cứng nhắc về chính trị-xã hội và thể chế.
Nói cách khác, các quốc gia ASEAN có thể cải thiện HDI thêm 18% mà không cần tăng tài nguyên, nhưng thông qua việc sử dụng chúng một cách hiệu quả với các biện pháp cải cách phù hợp.
Nghiên cứu cũng cho thấy cần các quốc gia ASEAN cần phải tự do hóa hơn nữa trong thương mại, trong các vấn đề về dịch vụ xã hội và y tế.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ (học vấn) và tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới.
(Business Wire)
Cùng TG&VN đón đọc những thông tin mới nhất về ASEAN vào 9h30 sáng các ngày trong tuần.