Một người Việt Nam đang được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: Asiatimes) |
Tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng ngày 4/9, ASEAN có tổng số nhiễm Covid-19 là trên 485.005 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 11.695 người. Trong ngày 3/9, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 5.790 ca mắc Covid-19 tại 8 quốc gia và 200 ca tử vong tại 3 quốc gia.
Trong ngày 3/9, Indonesia thông báo ghi nhận 3.622 ca mắc Covid-19 và 134 ca tử vong - là ngày có số ca mắc Covid-19 cao nhất kể từ ngày 22/7. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia là 184.268 ca, trong đó có 7.750 ca tử vong.
Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 1.987 ca mắc Covid-19 và 65 ca tử vong - mức thấp nhất trong 5 tuần qua. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines là 228,403 ca, trong đó có 3.688 ca tử vong.
Sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngày 3/9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông vừa bị tống giam tại nhà tù ở thủ đô Bangkok.
Trong một tuyên bố, Bộ Cải huấn Thái Lan cho biết người đàn ông trên, 37 tuổi, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đợt xét nghiệm hằng tuần. Người này từng làm DJ tại một câu lạc bộ giải trí ban đêm và trước đó không đi nước ngoài hay có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện người này nhập viện điều trị, trong khi các tù nhân từng tiếp xúc với anh ta đã được cách ly.
Trong một thông báo đưa ra ngày 3/9, Bộ Y tế Singapore cho biết các ổ dịch mới đã được phát hiện tại ít nhất 3 khu nhà tập thể cho người lao động nhập cư, với 43 ca nhiễm mới. Bên cạnh xét nghiệm dịch hầu họng, lực lượng chức năng Singapore còn đang tiến hành xét nghiệm huyết thanh đối với những người sinh sống tại các khu nhà tập thể này.
Tại Việt Nam, Bản tin 6h sáng ngày 4/9 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, không có ca mắc mới Covid-19. Như vậy đã tròn 36 giờ, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 1.046 bệnh nhân.
(TGVN/TTXVN)
Mỹ chỉ trích Trung Quốc "thao túng" dòng chảy sông Mekong vì lợi ích riêng
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cảnh báo việc Trung Quốc thao túng dòng chảy sông Mekong là một "thách thức khẩn cấp". Cụ thể, ông Stilwell dẫn một báo cáo gần đây cho rằng Trung Quốc "thao túng dòng chảy dọc sông Mekong trong 25 năm, trong đó sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và hoạt động đập lớn".
Theo ông Stilwell, cuộc khủng hoảng ở Mekong đe dọa an ninh lương thực và nguồn nước tại khu vực.
"Những chuyện này có khả năng lớn gây bất ổn nghiêm trọng hơn. Mỹ đang làm việc với các nước sông Mekong, tổ chức Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế để đảm bảo lời kêu gọi minh bạch dữ liệu nước của Trung Quốc được đáp lại", nhà ngoại giao Mỹ nói.
Phát ngôn của ông Stilwell là tín hiệu mới nhất cho thấy Mekong đang trở thành một mặt trận mới trong sự cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Nhiều khả năng vấn đề Mekong sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) dự kiến diễn ra tuần tới với sự tham dự của Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và các đồng cấp Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Sự kiện diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
(SCMP)
Tấn công ransomware ở doanh nghiệp Đông Nam Á giảm
Theo dữ liệu mới nhất từ Kaspersky, số lượng tấn công ransomware vào máy tính của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á đã giảm từ 1,4 triệu vào nửa đầu năm 2019 xuống còn nửa triệu vào nửa đầu năm 2020.
Tất cả 6 quốc gia trong khu vực - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều có tổng lượng tấn công ransomware từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Singapore ghi nhận mức giảm tấn công ransomware cao nhất với 89,79%, tiếp theo là Malaysia với 87,65% và Indonesia là 68,17%.
Các vụ tấn công tuy có sự suy giảm mạnh nhưng độ tinh vi của các ransomware ngày một tinh vi hơn và các doanh nghiệp mất nhiều tiền hơn trước, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết.
Ransomware là một phần mềm độc hại lây nhiễm vào máy tính của người dùng, khóa màn hình máy tính hoặc mã hóa các tệp quan trọng, sau đó hiển thị thông báo yêu cầu người dùng trả phí để máy tính hoạt động trở lại. Loại phần mềm độc hại này có thể được cài đặt thông qua các liên kết lừa đảo trong email, tin nhắn tức thời hoặc trang web, hay bằng một số kỹ thuật phức tạp hơn.
(Kaspersky)
Xếp hạng trường đại học ở Đông Nam Á trên thế giới
Ngày 2/9, Times Higher Education (THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings, WUR 2021). Việt Nam có ba trường được xếp hạng cùng 1.527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801 -1000 thế giới. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 1.000 của bảng xếp hạng này. Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 1000+. Đại học Bách khoa Hà Nội tụt từ nhóm 801-1.000 xuống nhóm 1.001+ trong tổng số 1.527 trường.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 17 trường vào top 1.001+, Malaysia có 15 trường, Indonesia có 9 trường, Singapore có 2 trường, Brunei có 1 trường.
THE là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục bậc cao, có trụ sở ở London, Anh. Tạp chí nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới hàng năm THE - QS, bắt đầu từ 2004.
(Times Higher Education)