Các nước Đông Nam Á cần phải chuẩn bị cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra trước dịch Covid-19. (Nguồn: TEMPO.CO) |
WHO yêu cầu các nước Đông Nam Á tăng cường phòng chống Covid-19
Ngày 4/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng cường chuẩn bị cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra và đảm bảo các biện pháp ngăn chặn sớm Covid-19.
Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trong khu vực hiện nay là sẵn sàng đưa ra phản ứng nhanh chóng khi có trường hợp bị Covid-19 đầu tiên, nhận biết sự lây truyền Covid-19 trong cộng đồng. Các biện pháp ngăn chặn sớm có thể giúp các quốc gia ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này”.
Việc xác định sớm những trường hợp nghi nhiễm và có các biện pháp cách ly, theo dõi kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, Thái Lan đã xác nhận thêm 43, Indonesia xác nhận thêm 2 trường hợp bị Covid-19 mới.
Tiến sĩ Singh nhấn mạnh việc các quốc gia trong khu vực cần có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ nhân viên y tế - đội ngũ quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh; gắn kết cộng đồng người dân lại với nhau và thông tin kịp thời, chính xách để họ, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân.
Virus SARS-nCoV-2 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ, giống như cúm cũng như bệnh nặng hơn. Bệnh nhân có một loạt các triệu chứng như sốt, ho và khó thở. Dựa trên dữ liệu hiện tại, trên toàn cầu, 81% các trường hợp nhiễm bệnh đều ở thể bệnh nhẹ, khoảng 14% tiến triển thành bệnh nặng và khoảng 5% là rất nguy hiểm. Tiến sĩ Singh cho biết, WHO đang hỗ trợ các nước trong việc chuẩn bị và lập kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.
(Outlook)
Covid-19 “ăn mòn” kinh tế khu vực
Khi số ca nhiễm virus SARS-nCoV-2 tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, không chỉ Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN + 3 cũng sẽ gặp phải khủng hoảng kinh tế. Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) ước tính rằng dịch Covid-19 có thể làm giảm 50% tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế khu vực trong năm 2020.
Tác động thấy rõ nhất đối với khu vực là sự gián đoạn của ngành du lịch và các ngành công nghiệp liên quan. Trong đợt dịch SARS năm 2002-2003, du lịch từ Trung Quốc đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Philippines đã giảm tới 50 đến 90% trước khi hết dịch hoàn toàn. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, các quốc gia trở nên phụ thuộc với nhau nhiều hơn, hiện nay, du khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số khách du lịch trong khu vực (con số này trước dịch SARs là 20%), do vậy, cấm du khách từ Trung Quốc đi du lịch tới các quốc gia trong khu vực, chỉ là trong một thời gian ngắn cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng vô cùng lớn đối với ngành du lịch.
Kể từ năm 2000, du lịch đóng góp rất lớn cho các nền kinh tế của khu vực. Năm 2018, ngành du lịch ước tính đã đóng góp hơn 30% GDP của Campuchia, hơn 20% cho Thái Lan và Philippines. Lượng khách đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác giảm mạnh gây thiệt hại cho khu vực ASEAN + 3, đặc biệt là đối với những quốc gia có ngành du lịch lớn và lượng khách Trung Quốc cao.
Dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng đến thương mại trong khu vực ASEAN + 3. Lĩnh vực sản xuất bị gián đoạn và nhu cầu tiêu thụ nội địa của các nước đang bị ảnh hưởng. Nhiều nền kinh tế khu vực, như Singapore và Việt Nam, được tích hợp sâu trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, trong đó Trung Quốc là một mắt xích quan trọng. Đáng chú ý, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thương mại và sản xuất khu vực. Tuy nhiên, những gián đoạn này được nhận định chỉ là nhất thời, thương mại dự kiến sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh chấm dứt.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng trầm trọng hơn, hoặc nếu dịch bệnh kéo dài và lây lan hơn so với tính toán hiện tại, tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế khu vực sẽ nghiêm trọng hơn. Các nước ASEAN +3 cần có các biện pháp tài chính đối phó phù hợp để có thể hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực.
(East Asia Forum)
Khai mạc Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN và các Hội nghị liên quan. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Khai mạc Hội nghị ASEAN SOM tại Đà Nẵng
Sáng 4/3, tại thành phố Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM). Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN chủ trì hội nghị với sự tham dự của quan chức cấp cao thuộc 10 nước ASEAN và Phó Tổng thư ký ASEAN. Đây là Hội nghị SOM ASEAN lần thứ 2 trong năm 2020.
Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia ASEAN cùng trao đổi về tình hình triển khai các kết quả của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại thành phố Nha Trang hồi tháng 1/2020; các khâu chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và các Hội nghị liên quan, dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 4 tới.
Các bên dự hội nghị thông qua chương trình làm việc của Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN – New Zealand dự kiến sẽ diễn ra ngày 9/4, ngay sau Hội nghị cấp cao ASEAN 36. Các nước cũng cho ý kiến về các bước triển khai sáng kiến, ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm 2020 dưới chủ đề “ASEAN: Gắn kết và chủ động thích ứng.”
Các đại biểu bày tỏ ủng hộ những sáng kiến như: kiểm điểm giữa kỳ tiến trình thực hiện các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng đến 2025, khởi động trao đổi về ASEAN sau 2025; đánh giá quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN, thúc đẩy hợp tác tiểu vùng; nhất là hợp tác Mê Công; Nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng Cộng đồng, tăng cường hình ảnh của ASEAN…
Ý kiến chung cho rằng các sáng kiến này có tính liền mạch, khả thi và sẽ là những đóng góp quan trọng cho ASEAN trong tăng cường gắn kết, nâng cao tính thích ứng của Cộng đồng.
(TG&VN)
58% doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đến tài chính thay thế
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) ở Đông Nam Á sẽ có xu hướng lựa chọn các nguồn tài chính phi truyền thống cho nhu cầu tài chính của họ.
Theo một nghiên cứu mới của GrabFinance hợp tác với Bloomberg, các nguồn tài chính này sẽ cần phải luôn có sẵn theo yêu cầu của người dùng để cho phép các doanh nhân phản ứng nhanh với các cơ hội và ứng phó kịp thời với rủi ro phát sinh.
Nghiên cứu cho thấy, phần lớn MSMEs ở Đông Nam Á (90%) hiện đang sử dụng tiền tiết kiệm cá nhân để duy trì cho doanh nghiệp hoặc dựa vào nguồn tài chính của gia đình hoặc bạn bè (40%). Hơn 2/3 số người được hỏi bày tỏ nhu cầu vay vốn kinh doanh trong tương lai và hơn 1/3 tin rằng nhu cầu hỗ trợ tài chính của họ sẽ tăng lên trong tương lai.
Với nhu cầu tài chính ngày càng lớn trong tương lai, các lựa chọn tài chính phi truyền thống sẽ rất quan trọng đối với MSMEs. Hơn một nửa doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ có thể sẽ chuyển sang các hình thức hỗ trợ tài trợ phi truyền thống trong vòng ba năm tới, các hình thức này bao gồm gây quỹ cộng đồng, vay vốn ngân hàng (P2P) và tìm kiếm các nhà đầu tư.
Hiện tại, chỉ có 29% chủ doanh nghiệp MSMEs sử dụng nguồn tài chính phi truyền thống, nhưng trong 1-3 năm tới, 58% sẽ chuyển sang các nguồn tài trợ này. Các MSME Đông Nam Á đã bắt đầu áp dụng các công cụ và giải pháp tài chính kỹ thuật số, sử dụng ví di động để thanh toán cho doanh nghiệp.
(Fin Tech)