Thủ tướng Campuchia Hunsen và cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại thủ đô Seoul. |
Thủ tướng Campuchia gặp cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hunsen đang ở thăm Hàn Quốc, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thảo luận về tình hình ở Bán đảo Triều Tiên và đề nghị nhà lãnh đạo Campuchia ủng hộ các nỗ lực hòa bình trong khu vực. Là thành viên của ASEAN, Campuchia có thể đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của Bán đảo Triều Tiên.
Ông Ban Ki-moon, hiện là Chủ tịch của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu của Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa Campuchia và Hàn Quốc.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Hunsen gặp Tổng thống Moon Jae-in, thảo luận về phương án tăng cường hợp tác song phương và phương án hợp tác Hàn Quốc - ASEAN, Hàn Quốc - Mekong. Ông Moon Jae-in cam kết Seoul sẽ tích cực hợp tác để Campuchia tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 từ ngày 16-17/11 tại Phnom Penh.
(Yonhap News)
Ấn Độ vắng mặt trong đàm phán về RCEP
Ấn Độ không có đại diện tham dự cuộc họp đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) kết thúc hôm 4/2 tại Bali, Indonesia. Theo trưởng đoàn đàm phán Indonesia Donna Gultom, Vụ trưởng Đàm phán ASEAN thuộc Bộ Thương mại Indonesia, quan chức cấp cao Ấn Độ thường xuyên tham dự các cuộc đàm phán “đã không nhận được bất kỳ sự ủy nhiệm nào từ Bộ trưởng bởi vị Bộ trưởng cũng không được Thủ tướng Modi giao phó”.
Một quan chức của Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã nhận được lời mời "nhưng Ấn Độ đã không tham gia" song không đưa ra lý do.
Sự vắng mặt của Ấn Độ tại cuộc đàm phán vừa qua dấy lên suy đoán rằng nước này có thể rút khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định này.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Bali tập trung vào "các vấn đề chiến lược và nổi bật", như tìm kiếm giải pháp cho "vấn đề Ấn Độ" và "tiếp cận thị trường trong thương mại và đầu tư dịch vụ tốt", theo Iman Pambagyo, Vụ trưởng Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia.
(Kyodo News)
Tự tin về một “ASEAN đang trỗi dậy”
Bà Sally Macdonald, người phụ trách các thực thể châu Á tại công ty Marlborough và đồng quản lý các quỹ Ủy thác thị trường mới nổi và Tăng trưởng viễn Đông cho rằng “ASEAN đang trỗi dậy” là một trong những chủ đề lớn trong nhiều năm qua mà các nhà đầu tư thị trường mới nổi nên xem xét và tìm kiếm cơ hội.
Một trong những chất xúc tác, theo bà Macdonald, là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. “Ban đầu, những việc nhỏ nhặt phải diễn ra trước khi mọi thứ hoạt động hài hòa” và “sau một thời gian, các quốc gia thực sự có lợi ích lẫn nhau”.
Chẳng hạn, nhiều công ty hiện đang outsource nhu cầu sản xuất sang các nước ASEAN chứ không phải Trung Quốc, do chi phí tăng cao. Ngoài ra, do "cộng đồng sản xuất khổng lồ", các nước trong khu vực được "hưởng lợi chính" từ sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc từ sản xuất sang dịch vụ.
Bà Macdonald lấy dẫn chứng, Việt Nam đang đảm nhiệm việc sản xuất trung gian (thứ cấp) như lắp ráp đồ điện tử cao cấp, Malaysia có nhiều chuyên môn về chất bán dẫn, Thái Lan là chuyên gia về sản xuất và lắp ráp ô tô cao cấp, trong khi Singapore là quê hương của sở hữu trí tuệ.
(Investment Week)
Malaysia: Một nhà báo bị buộc tội đưa tin gây hoang mang về virus corona
Wan Noor Hayati Wan Alias, biên tập viên của một tờ báo Malaysia, bị cáo buộc vi phạm các luật cấm các tuyên bố gây sợ hãi và lo lắng trong dân. Theo truyền thông Malaysia, nhà báo này được cho là đã đăng cảnh báo trên mạng Facebook về một du thuyền đến bang Penan với khoảng 1.000 du khách Trung Quốc trên tầu. Trước tòa án ở Kuala Lumpur, nhà báo nữ 40 tuổi này đã bác 3 cáo trạng nhắm vào bà. Nếu bị kết án, bà có thể phải lĩnh án 2 năm tù.
Tính đến sáng ngày 6/2, Malaysia có 12 người nhiễm virus corona, trong đó 2 bệnh nhân mới nhất là một người đàn ông 45 tuổi và con trai 9 tuổi, hiện đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Tuanku Jaafar, Seremban.
(RFI, AFP, Strait Times)