Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị trước mắt ASEAN cần tập trung hoàn tất cả 3 đoàn khảo sát, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo đánh giá tổng thể về năng lực của Timor-Leste và đề xuất những khuyến nghị cụ thể. (Ảnh: Tuấn Anh) |
ASEAN thảo luận vấn đề Timor Leste xin gia nhập khối
Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN sẽ liên tục hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Timor Leste về công tác chuẩn bị gia nhập ASEAN, cũng như đánh giá khả năng và sự sẵn sàng của quốc gia này.
Đây là một trong những chủ đề lớn nhất giữa các đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN trong cuộc họp lần thứ 9, nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN (ACCWG), diễn ra chiều 5/3, tại Đà Nẵng, do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì. Cuộc họp có sự tham dự của quan chức cao cấp các nước ASEAN thuộc các trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, cùng đại diện Ban thư ký ASEAN.
Các đại biểu đã cập nhật và thảo luận công tác hỗ trợ Timor Leste, nâng cao năng lực, chuẩn bị mọi mặt cho việc tham gia ASEAN. Năm nay, các đoàn khảo sát của trụ cột kinh tế (AEC) và văn hoá - xã hội (ASCC), sẽ tới Timor Leste, để đánh giá năng lực, mức độ sẵn sàng của nước này từ góc độ kinh tế và văn hoá - xã hội.
Kết quả đánh giá của các đoàn khảo sát sẽ được tổng hợp và báo cáo Hội đồng điều phối ASEAN cuối năm nay. Các đại biểu nhất trí, ASEAN tiếp tục hỗ trợ Timor Leste trong quá trình củng cố, cải tiến và nâng cao năng lực bộ máy thể chế, phát triển kinh tế và nâng cao mức sống, trình độ cho người dân.
"Cùng với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục dành cho Timor Leste những hỗ trợ phù hợp, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuẩn bị gia nhập ASEAN", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
(TG&VN)
ASEAN và Canada cần phải có những tín hiệu tích cực nếu muốn ký kết FTA
Đại sứ Indonesia tại Canada Abdul Kadir Jailani nói rằng, tất cả các bên tham gia đàm phán thương mại ASEAN-Canada cần phải tìm được tiếng nói chung về “mức tham vọng”, để có thể tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Canada.
Trong một cuộc thảo luận gần đây về FTA ASEAN-Canada do Đại sứ quán Indonesia tại Ottawa tổ chức, Đại sứ Abdul Kadir Jailani cho rằng ASEAN và Canada sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và quan hệ thương mại nếu hai bên ký kết FTA, đặc biệt khi Canada luôn được coi là một trong những đối tác truyền thống của ASEAN.
Theo ước tính của Đại sứ quán, nếu FTA ASEAN-Canada đi vào hoạt động, GDP của Canada sẽ tăng lên 5,11 tỷ USD trong khi GDP của ASEAN tăng 39,36 tỷ USD. Tất nhiên, ước tính này còn phụ thuộc vào một số vấn đề như loại bỏ hàng rào thuế quan, các biện pháp phi thuế quan và tạo thuận lợi phát triển thương mại theo kịch bản tự do hóa toàn diện.
Hơn nữa, theo phân tích của phía Canada, nếu FTA này được phê duyệt, xuất khẩu từ ASEAN sang Canada sẽ tăng thêm 4,81 tỷ USD (15,5%) và xuất khẩu của Canada sang ASEAN thêm 2,67 tỷ đô la (13,3%).
Tuy nhiên, theo Đại sứ Abdul Kadir Jailani, giữa ASEAN và Canada vẫn có một số cản trở thương mại như đầu tư, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, quyền trí tuệ và các vấn đề môi trường và người bản địa,…
Ý tưởng về một FTA giữa ASEAN và Canada được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016 nhưng chỉ được thảo luận ở cấp quan chức cao cấp trong Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 16 vào tháng 3/2019.
(Jakarta Post)
Phần lớn doanh nghiệp Đông Nam Á muốn đầu tư nâng cấp hạ tầng an ninh mạng
Theo Khảo sát rủi ro bảo mật công nghệ thông tin (CNTT) doanh nghiệp toàn cầu (ITSRS) của Kaspersky, 79% các doanh nghiệp được hỏi tại Đông Nam Á xác nhận kế hoạch tăng cường bảo mật CNTT, bất chấp việc đây là khoản đầu tư có thể không đem lại lãi suất.
Lý do là thời gian gần đây, trong khu vực đã xảy ra một số vụ tấn công mạng ở mức độ lớn, khiến một số công ty như Love, Bonito bị đánh cắp dữ liệu. Đồng thời, Singapore mới đưa ra các hướng dẫn mới về thông báo vi phạm dữ liệu và trách nhiệm giải trình.
Cũng theo khảo sát, khi hỏi các trưởng bộ phận CNTT của các doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm 300 doanh nghiệp ở Đông Nam Á cho thấy phần lớn các máy trạm trong khu vực (96%) đã cài đặt giải pháp bảo mật điểm cuối, cao hơn một chút so với mức trung bình của châu Á-Thái Bình Dương là 92% và của thế giới là 87%.
Điều thú vị là, khoảng hơn 10% các công ty vừa và nhỏ trong khu vực đang sử dụng các phần mềm bảo mật miễn phí. Trong đó, 19,5% trong số này chỉ dùng các phần mềm diệt virus được thiết kế cho các máy tính gia đình.
Theo Yeo Siang Tong, giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, các phần mềm diệt virus miễn phí có thể giúp bảo vệ khỏi những mã độc quen thuộc. Nhưng nếu một doanh nghiệp với thông tin nhạy cảm, cần giữ bí mật và các điểm tiếp xúc phức tạp sẽ dễ là “miếng mồi ngon” cho những hacker với mã độc tinh vi hơn. Do đó, việc sử dụng các phần mềm miễn phí và phần mềm cho cá nhân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ hệ sinh thái CNTT của một doanh nghiệp.
(The Online Citizen)
ASEAN có thể học hỏi thêm công tác phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc
Tuy rằng tỷ lệ các ca phục hồi dịch Covid-19 tại Đông Nam Á đang tăng lên, nhưng các chuyên gia y tế thế giới cho biết, các quốc gia trong khu vực vẫn có thể học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý ổ dịch của Trung Quốc.
Tính đến ngày 5/3, các quốc gia ASEAN như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và Việt Nam có tổng cộng 229 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, Singapore đã có 78/110 ca phục hồi, Thái Lan là 31/43 ca, còn ở Việt Nam toàn bộ 16/16 ca nhiễm virus corona đã phục hồi và được xuất viện.
Theo Jacqueline Lo Ying-Ru, trưởng phái đoàn và đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Malaysia, Brunei Darussalam và Singapore, phản ứng phối hợp và quản trị mạnh mẽ của Trung Quốc có thể được áp dụng tại các nước Đông Nam Á, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Khor Swee Kheng, một chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học Oxford cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết ASEAN có thể học hỏi từ những hoạt động hiệu quả của Trung Quốc trong việc “huy động hành chính, tài chính, con người và ý chí chính trị”. Ý chí chính trị mạnh mẽ cũng dẫn đến việc ra quyết định nhanh chóng.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 chính thức chấm dứt,theo ông Khor, ASEAN và Trung Quốc cần phải triệu tập một cuộc họp chung về vấn đề an ninh y tế, để cùng ôn lại các bài học kinh nghiệm từ công tác chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho những dịch bệnh có thể đến trong tương lai.
(China Daily)