Ngày 5/4, ca mắc Covid-19 thứ 57 ở Việt Nam, bệnh nhân người Anh điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam được công bố khỏi bệnh. |
Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN
Tính tới rạng sáng 6/4, ASEAN có tổng cộng 13.182 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này đã tăng lên 442, nhiều hơn 33 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 2.351 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Trong ngày 5/4, 5 nước ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới nhiều nhất khu vực lần lượt là Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Philippines là quốc gia có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất khu vực (8 người).
Cụ thể, tại Malaysia đã ghi nhận thêm 179 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 3.662 ca. Số ca tử vong là 61 người. Trong số các ca nhiễm tại Malaysia, có 1.005 người đã được điều trị khỏi, 99 người đang được chăm sóc tích cực.
Theo trang worldometers.info, tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Philippines hiện là 3.246 ca và 152 ca. Sáng 5/4, một nhóm chuyên gia y tế gồm 12 người đã khởi hành từ thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến ở miền Đông Trung Quốc, đến Philippines để hỗ trợ nước này ngăn chặn tình trạng bùng phát của dịch Covid-19.
Ngày 5/4, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 120 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là mức tăng các ca nhiễm mới cao nhất được thông báo trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á này. Đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 1.309 ca mắc Covid-19, trong đó có 6 trường hợp tử vong.
Chính phủ Indonesia cho biết số ca tử vong do Covid-19 tại '"quốc gia vạn đảo" đã tăng lên 198 ca, trong khi số ca nhiễm mới và phục hồi lần lượt là 2.273 ca và 164 ca. Jakarta hiện có số ca tử vong cao nhất với 95 ca, tiếp đó là Tây Java với 28 ca, Trung Java với 18 ca, Banten với 17 ca và Đông Java với 14 ca.
Hết ngày 5/4, Thái Lan đã công bố thêm 102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 2.169 và tổng số ca tử vong lên 23 người. Quốc gia này cũng đã tự sản xuất được các bộ kit xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.
Trong khi "Top 5" nước ASEAN đang đối mặt với tình trạng bệnh Covid-19 leo thang nhanh chóng, thì các nước còn lại ở khu vực này lại thể hiện những nỗ lực tuyệt vời trong việc kiềm chế và ứng phó với dịch bệnh.
Trong vòng 24h qua, 5 nước gồm Việt Nam, Lào, Myanmar, Brunei và Campuchia chỉ ghi nhận thêm có 2 ca nhiễm bệnh mới. Tại các nước này, tới hết ngày 5/4, cũng mới chỉ có 2 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể giúp hạ ảnh hưởng của Covid-19 tới ASEAN
Đại dịch Covid-19 thật sự là một thảm kịch của con người và đang gây ảnh hưởng nặng nề và rộng rãi lên nền kinh tế trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu về vấn đề này tại khu vực ASEAN được công bố rộng rãi.
Tất cả các nước ASEAN đều phụ thuộc vào dòng chảy du lịch nhưng có lẽ Thái Lan là phụ thuộc nhiều nhất. Campuchia và Lào nhận phần lớn đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc và sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến những nước này nhiều nhất.
Philippines và các nước Mekong có dân số lao động ở nước ngoài lớn và việc hạn chế di chuyển sẽ ảnh hưởng tới cả những quốc gia gửi và nhận người lao động. Brunei và Malaysia là các nhà xuất khẩu dầu thô và cuộc chiến giá cả do đại dịch gián tiếp gây ra sẽ tác động mạnh đến họ.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, nguy cơ suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang gia tăng. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực đã bắt đầu, ban đầu được thúc đẩy bởi mức lương tăng ở Trung Quốc và sau này là cuộc chiến thương mại Trung Quốc của Mỹ.
Mặc dù Covid-19 có thể đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và mức độ tái cấu trúc thương mại toàn cầu, nhưng nó chỉ chịu trách nhiệm một phần cho những gì có thể xảy ra. Sẽ là sai lầm khi quy trách tất cả sự gián đoạn hiện tại là do Covid-19. Nếu cuộc chiến thương mại không xảy ra trước đó, Covid-19 có thể đã dẫn đến sự gián đoạn lớn hơn đối với chuỗi cung ứng.
(AEC News Today)
Thái Lan tìm kiếm sự giúp đỡ của Myanmar và Lào để chống lại ô nhiễm không khí. |
Thái Lan tìm kiếm sự giúp đỡ của Myanmar và Lào để chống lại ô nhiễm không khí
Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm sự hợp tác từ Myanmar và Lào trong cuộc chiến chống lại khói mù và chất lượng không khí kém ở miền Bắc nước này. Đám mây độc hại đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí đang gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Ông Jatuporn Buruspat, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, cho biết số lượng điểm nóng ô nhiễm ở Myanmar tiếp tục tăng trong khi ở Lào và Campuchia có chiều hướng ít hơn. Ngoài ra, ông nhận định một phần của vấn đề ô nhiễm bắt nguồn từ các vụ cháy rừng ở Thái Lan. Bản thân Thái Lan cũng đã có những biện pháp nhằm dập tắt cháy rừng và đặt cảnh giác cao ở những khu vực có nguy cơ cháy cao.
(Chiang Rai Times)
Quân đội Mỹ tìm kiếm nguồn tài trợ cho khu vực Thái Bình Dương sau đại dịch
Các quan chức quân đội Mỹ đã phác thảo một yêu cầu chi tiêu để tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Động thái này cho thấy các nhà lãnh đạo an ninh Mỹ đang nghiên cứu cách thức tiếp túc duy trì ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi dịch bệnh kết thúc.
Theo New York Times, một báo cáo được gửi tới Quốc hội Mỹ vào tuần trước đã kêu gọi ngân sách 20,1 tỷ USD để chống lại Trung Quốc vào năm 2021 và xa hơn nữa. Kinh phí sẽ được dành cho các hệ thống cảnh báo radar và tên lửa hành trình mới của Mỹ, đồng thời sẽ chi trả cho nhiều cuộc tập trận với các đồng minh, triển khai lực lượng bổ sung và các trung tâm chia sẻ thông tin tình báo mới.
Các nhà lập pháp Mỹ tin rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng hậu quả của đại dịch để cố gắng tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ cũng sẽ có cơ hội củng cố các đồng minh truyền thống của mình.
Trong một diễn biến khác, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
(New York Times)