Thúc đẩy nền kinh tế ASEAN+3 hậu đại dịch mạnh mẽ hơn
Các quốc gia ASEAN và 3 đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19, nhất là về mặt kinh tế. Để khắc phục điều này, việc đẩy mạnh hợp tác tài chính khu vực là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 là mục tiêu của nhiều quốc gia. (Nguồn: AFP) |
Về vấn đề này, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), được thành lập vào năm 2011 để tiến hành giám sát kinh tế vĩ mô khu vực, đóng vai trò quan trọng như một “bác sĩ gia đình đáng tin cậy” để hỗ trợ các thành viên của khối. Nhiệm vụ của AMRO trong việc đóng góp vào sự ổn định kinh tế và tài chính khu vực thậm chí còn quan trọng hơn trong môi trường ngày nay.
Ngoài ra, năm 2000, ASEAN+3 đã cùng ký kết Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). Đây là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép các nước đã ký kết vay mượn tiền lẫn nhau.
Với nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối với nhau, sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và những thách thức hiện nay, đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của khu vực trước các cú sốc kinh tế và tài chính. CMIM và AMRO được coi là những công cụ quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế của khu vực.
(The ASEAN Post)
Rời Trung Quốc, Hàn Quốc chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á
Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Đầu năm nay, chính phủ Hàn Quốc cũng mở rộng chương trình trợ cấp để các công ty dịch vụ và công nghệ thông tin đưa dây chuyền sản xuất về nước.
Tuy nhiên, thống kê của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho thấy chỉ 80 trên tổng số hàng nghìn công ty có liên kết với Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất về nước. Thay vào đó, thấy doanh nghiệp tìm cách chuyển nhà máy tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Nhà nguyên cứu Bae Ho-young thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhận định các rào cản ở Hàn Quốc là "quá cao". Đó là thị trường lao động cứng nhắc, chi phí lao động cao và các quy định về môi trường phức tạp.
Samsung là một trong những công ty lớn của Hàn Quốc tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á và các khu vực khác khi giảm quy mô sản xuất tại Trung Quốc. Hyundai cũng tăng cường sản xuất ôtô tại Việt Nam trong khi tạm dừng dây chuyền sản xuất ở Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định xu hướng này có thể kéo theo các công ty nhỏ khác.
(Bloomberg)
ASEAN và FIFA phát động chiến dịch phòng chống dịch Covid-19
Ngày 5/10, ASEAN và Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) đã phát động chiến dịch “FiveSteps”(Năm bước) nhằm phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong một thông cáo, Ban thư ký ASEAN cho biết FiveSteps là chiến dịch truyền thông thứ hai do ASEAN và FIFA phối hợp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức chung, thúc đẩy lối sống lành mạnh và năng động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thông qua FiveSteps, ASEAN và FIFA cung cấp các chỉ dẫn thiết thực để người dân duy trì lối sống lành mạnh trong đại dịch và bày tỏ hy vọng khu vực sẽ vượt qua thời điểm thử thách này.
Một trong các thông điệp chính của chiến dịch lần này là “Người dân ASEAN cần có quyết tâm, kỷ luật và tinh thần đồng đội để đánh bại virus SARS-CoV-2 và luôn khỏe mạnh. Cùng nhau, ASEAN sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến khó khăn này.”
Chiến dịch FiveSteps gồm 2 đoạn video, trong đó mỗi đoạn có 5 cầu thủ bóng đá ASEAN truyền tải thông điệp bằng ngôn ngữ quốc gia của họ, khuyến khích người dân ASEAN tuân thủ 5 bước giữ vệ sinh để đối phó với Covid-19.
Các video hiện được phát trên các kênh truyền thông xã hội của Ban Thư ký ASEAN, FIFA, các quốc gia thành viên ASEAN, và các hiệp hội bóng đá quốc gia ASEAN.
(FIFA)
Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á
Tính đến rạng sáng ngày 7/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 6.862 ca nhiễm mới, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 733.299 ca, trong đó tổng số người tử vong là 17.948 ca.
Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận 2.093 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 6/10, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại đây lên 326.833 ca. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, ông Rabindra Abeyasinghe, nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm dần.
Ông Abeyasinghe ghi nhận Philippines đã rất chủ động thực thi các quy định, cũng như triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển cần thiết nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh. Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng Philippines cần thực thi biện pháp ứng phó toàn diện hơn, trong đó có việc tập hợp sự đoàn kết của tất cả các vùng, các thành phố và trên khắp cả nước. Ngoài ra, cần triển khai nhiều cơ chế cho việc chẩn đoán sớm, truy vết tiếp xúc, sớm cách ly và điều trị các ca mắc Covid-19, cũng như cách ly các ca tiếp xúc gần.
Giới chức Singapore ngày 6/10 thông báo đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, trong đó có việc thiết lập một phòng xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Trong ngày 6/10, Indonesia ghi nhận 4.056 ca nhiễm mới và 121 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 311.176, bao gồm 11.374 bệnh nhân không qua khỏi.
Cùng ngày, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho 2 loại thuốc kháng virus Favipiravir và Remdesivir để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh Covid-19. Tính đến cuối năm nay, Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu 670.000 lọ Remdesivir, đồng thời lên kế hoạch sản xuất loại thuốc này trong nước từ tháng 11 tới.
Theo tờ Straits Times, Chính phủ Malaysia ngày 6/10 đã ban hành lệnh cấm đi lại từ bang Sabah đến các vùng như bán đảo Mã Lai, bang Sarawak và Lãnh thổ liên bang Labuan kể từ ngày 7 đến 20/10. Tình hình Malaysia đang trở nên báo động với gần 700 ca nhiễm mới trong ngày 6/10.
(TGVN/TTXVN)
| Đẩy mạnh quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thông qua đối thoại chiến lược các cơ quan nghiên cứu TGVN. Sáng ngày 6/10 đã diễn ra Đối thoại chiến lược các cơ quan nghiên cứu ASEAN-Hàn Quốc lần thứ hai, mang tên Quan hệ ... |
| Việt Nam đại diện ASEAN phát biểu tại Ủy ban các vấn đề kinh tế, tài chính của Đại hội đồng LHQ TGVN. Ngày 5/10, Ủy ban Các vấn đề kinh tế, tài chính trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tổ chức ... |
| Tin tức ASEAN buổi sáng 6/10: Vai trò trung tâm của ASEAN giữa cạnh tranh Mỹ-Trung, Singapore nêu 3 chiến lược phục hồi kinh tế TGVN. Tình hình Covid-19 trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp, Singapore đưa ra những chiến lược mũi nhọn phát triển kinh tế hậu ... |