📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 7/5

Quang Đào 09:30 | 07/05/2020
TGVN. Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, đại dịch thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực... là những thông tin chính trong bản tin ngày hôm nay.
Người dân tại thủ đô Manila (Philippines) đeo khẩu trang đề phòng Covid-19. (Nguồn: AFP)

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính đến rạng sáng ngày 7/5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận 51.717 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 1.685 ca tử vong.

Singapore có 788 ca mắc bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm lên con số 20.198. Con số lây nhiễm ngoài cộng đồng và số ca nhiễm không rõ nguồn gốc đã và đang giảm dần. Hiện Singapore có 1.513 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, 18 người tử vong.

Tính tới nay, Singapore có số ca mắc nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 39% tổng số ca toàn khối.

Indonesia ghi nhận thêm 367 ca mới trong ngày 6/5, nâng tổng số ca lên 12.438 ca và 23 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 895 ca. Chính phủ Indonesia thông báo virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này khác với 3 chủng virus, được đặt tên là S, G và V, đang hoành hành ở các nước khác trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro, kết luận trên được đưa ra dựa vào kết quả phân tích 3 trình tự gien của virus SARS-CoV-2 thu thập tại Indonesia và được Viện Sinh học Phân tử Eijkman gửi tới Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID). Các mẫu mà Indonesia gửi tới GISAID nằm trong số các mẫu chưa xác định.

Philippines ghi nhận 320 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 10.004. Ngoài ra, quốc gia này có thêm 21 ca tử vong, nâng tổng số ca lên thành 658.

Tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan tiếp tục chuyển biến tích cực khi quốc gia Đông Nam Á này hai ngày liên tiếp chỉ ghi nhận một ca nhiễm. Thái Lan đến nay có tổng cộng 2.989 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 55 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng đã chữa khỏi cho 2.761 bệnh nhân, trong khi vẫn còn 173 trường hợp đang được điều tại tại các cơ sở y tế.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết nước này đang chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại tiếp theo sau khi cho phép một số địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại.

Cơ quan y tế Malaysia ghi nhận 45 ca trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca lên thành 6.428 ca, trong khi tổng số ca tử vong là 107 người, tăng 1 ca so với ngày trước đó. 44 ca mới là lây nhiễm trong cộng đồng trong khi 1 ca còn lại là từ nước ngoài vào Malaysia.

Thêm 135 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau quá trình điều trị, nâng tổng số ca phục hồi tại nước này lên 4.702 ca, chiếm 73,1% trong tổng số ca nhiễm.

Như vậy, Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất khối với 895 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua với 23 ca.

Các nước gồm Lào, Campuchia, Việt NamTimor-Leste chưa không ghi nhận ca mắc mới và cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào.

(TGVN/TTXVN)

Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số

Theo công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, đại dịch Covid-19 đang giúp thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nghiệp ở khu vực ASEAN và sẽ mở ra các cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Nhà phân tích cấp cao của Global Data Alfie Amir cho biết phần lớn doanh nghiệp ASEAN vẫn dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông truyền thống (ICT) như trung tâm dữ liệu và các dịch vụ mạng truyền thống, khiến họ gặp khó trong việc thích nghi với những thay đổi liên quan đến Covid-19 như các kênh làm việc từ xa và khách hàng kỹ thuật số.

"Các doanh nghiệp ASEAN đang phải thay đổi các ưu tiên ICT hiện tại của mình để tập trung vào công nghệ đám mây, định hướng lại mạng, triển khai UC (truyền thông hợp nhất) và/hoặc mở rộng và triển khai các dịch vụ kỹ thuật số", ông Amir nói.

Trước Covid-19, các ứng dụng hợp tác kinh doanh như Cisco Webex, Zoom và BlueJeans hiếm khi được sử dụng. Ngày nay, chúng đã trở thành công cụ cơ bản để cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Ngoài UC, các doanh nghiệp cũng đang tăng cường kênh khách hàng trực tuyến. Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, nhưng việc áp dụng vẫn còn tương đối thấp vì người tiêu dùng vẫn thích mua từ các cửa hàng truyền thống.

(New Strait Times)

Sương mù tại Kuala Lumpur. (Nguồn: Nesnad)

ASEAN có thể làm gì để giải quyết biến đổi khí hậu?

Khi người dân trên khắp Đông Nam Á đang ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu, ASEAN có thể sử dụng cơ hội dẫn đầu và tạo ra những tác động đáng kể để thúc đẩy hợp tác khu vực sâu sắc hơn trong vấn đề này.

Một bài viết của Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra rằng tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đệ trình các khoản Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs) cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên đều cam kết đẩy nhanh việc giảm phát thải và thích ứng khí hậu toàn cầu.

Theo đó, bước quan trọng nhất là ASEAN cần phải thiết lập một khung thể chế mạnh mẽ. Khi các vấn đề biến đổi khí hậu khu vực trở nên phức tạp hơn và gây ảnh hưởng trực tiếp lên các lĩnh vực kinh tế quan trọng, ASEAN cần một khuôn khổ thể chế có thể kết nối các dự án và chương trình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên các quy mô khác nhau.

ASEAN đã bắt đầu nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường và một khung thể chế mới để phối hợp các hành động hiện có và đưa ra định hướng chiến lược cho đến khi có kết quả tích cực.

Ngoài ra, ASEAN cũng cần huy động nguồn tài chính từ khu vực tư nhân. Malaysia và Thái Lan đã cung cấp các khoản ưu đãi tài chính cho ngành năng lượng tái tạo.

Kể từ đó, ngành năng lượng sạch đã phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm. Động lực này nên được duy trì và sử dụng để khám phá các cơ hội hơn nữa trong khu vực.

(ASEAN Today)

Hầu hết thị trường chứng khoán ở Đông Nam Á giảm, riêng Việt Nam tăng

Khi thị trường Thái Lan đóng cửa vì nghỉ lễ, hầu hết các cổ phiếu Đông Nam Á đã giảm trong phiên ngày 6/5, nhưng Việt Nam đã tăng hơn 2% và ghi nhận phiên tốt nhất trong hơn một tháng.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ cố gắng giữ mức tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm nay, vượt trên ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi bắt đầu mở cửa lại sau những biện pháp giãn cách xã hội.

Thị trường Malaysia có mức giảm thấp nhất trong khu vực với mức 0,9%. Cổ phiếu của nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia Sime Darby Bhd giảm 3%, trong khi đó, Hartalega Holdings mất 2,2%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, thị trường Philippines suy giảm khoảng 0,6%. Chứng khoán Indonesia giảm 0,5% sau khi chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua vào tháng 4, một ngày sau khi dữ liệu cho thấy GDP quý đầu tiên tăng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2001.

Chỉ số của Singapore tăng 0,8% trong phiên giao dịch ngày 6/5, với cổ phiếu của Singapore Airlines tăng 5,7%, cao nhất trong gần 2 tháng. Theo các chuyên gia, cổ phiếu Singapore tăng cao hơn phần còn lại của châu Á sau khi chứng khoán Mỹ tăng giá trong đêm.

(Bangkok Post)