📞

Tin tức ASEAN buổi sáng 9/3

09:30 | 09/03/2020
TGVN. ASEAN quyết liệt chống lại Covid-19, ASEAN vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc... là những nội dung được đề cập trong bản tin sáng nay.

ASEAN quyết liệt chống lại Covid-19

Các quốc gia ở Đông Nam Á đang có những hành động quyết liệt để đối phó với dịch Covid-19 do trong những ngày qua, các quốc gia này đã xác nhận thêm nhiều ca nhiễm mới.

Ngày 7/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học ở thành phố Siem Reap, sau khi phát hiện người Campuchia đầu tiên bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở khu vực này. Bệnh nhân là một người đàn ông 38 tuổi, sống ở phía Tây Bắc tỉnh Siem Reap.

Bệnh nhân là một trong 4 người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với một người đàn ông Nhật Bản bị nhiễm Covid-19, đi du lịch đến tỉnh Siem Reap vào ngày 28/2. 3 người còn lại hiện đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cho đến nay, các cơ quan y tế của tỉnh Siem Reap đã tìm thấy 8 người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19 người Nhật Bản và đã được cách ly. 40 người khác tiếp xúc gián tiếp với người này đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà và theo dõi chặt chẽ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cung cấp một loạt tờ tiền 500 baht để tăng tỷ lệ phần trăm lượng tiền mặt không bị nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời thu thập và cách ly tiền giấy cũ trong 14 ngày, sau đó sẽ lưu hành trở lại.

Vì số lượng khách hàng ghé thăm các trung tâm mua sắm đã giảm do Covid-19, một số trung tâm mua sắm như Emquartier và Emporium ở Bangkok đã lắp đặt các cổng vệ sinh tự động với vòi phun nước khử trùng để giảm sự lây lan của virus corona trước khi khách hàng vào tòa nhà, có thể làm giảm khả năng virus lây lan lên tới 90%.

Thái Lan đã ghi nhận 50 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có 18 trường hợp đang được điều trị. Ngoài một trường hợp tử vong, 31 bệnh nhân khác đã được xuất viện. Hai trường hợp mới nhất được công bố vào ngày 7/3 là công dân Thái Lan trở về từ Italy, tâm chấn của dịch ở châu Âu.

Trong một diễn biến khác, Malaysia và Thái Lan đã không cho phép tàu du lịch Costa Fortuna cập cảng do lo ngại dịch Covid-19. Chiếc tàu chở khoảng 2.000 người, trong đó có 64 người Italy.

Chính quyền Thái Lan đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh "đối với người Italy đã quá cảnh ở Italy trong 14 ngày qua", hãng Costa Cruises thông báo trên Twitter của mình.

Tại Việt Nam, tính đến nay, số ca nhiễm Covid-19 đã lên 30 trường hợp, trong đó có 14 ca nhiễm mới trong 3 ngày qua. Kể từ khi xuất hiện ca bệnh thứ 17, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc.

(TG&VN)

ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc

Ngày 7/3, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, khi nhiều nước Đông Nam Á đã cho thấy chuỗi cung ứng không thể phá vỡ với Trung Quốc để đảm bảo thương mại bất chấp các cú sốc bên ngoài như sự bùng phát của dịch Covid-19.

Thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN đã tăng 0,5% so với cùng kỳ lên 85,32 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2, trong bối cảnh thương mại giảm với hầu hết các đối tác thương mại khác do sự tấn công của Covid-19. Nhìn chung, thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc giảm 11% xuống còn 591,99 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020.

Trong giai đoạn này, xuất khẩu (tính bằng USD) của Trung Quốc sang các nền kinh tế ASEAN đã giảm 5,1% trên cơ sở hàng năm, nhưng nhập khẩu tăng vọt 7,2%. Cụ thể, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam ghi nhận mức tăng đáng kinh ngạc 24,2%, bên cạnh đó nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng 13% so với năm trước. Vào cuối năm 2019, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc, chiếm hơn 641 tỷ USD thương mại, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất.

Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp nguồn của các công ty đa quốc gia và Trung Quốc đã chuyển sang các nền kinh tế ASEAN, nơi các sản phẩm được sản xuất và sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc để đóng gói thêm. Ví dụ, Samsung đã chuyển rất nhiều cơ sở sản xuất của mình sang Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua.

Các chuyên gia phân tích, Trung Quốc có thể đã tăng nhập khẩu một số nguồn cung cấp y tế từ các thành viên ASEAN. Nhập khẩu thuốc và các vật liệu liên quan của Trung Quốc đã tăng 3,6% trên cơ sở hàng năm lên 4,87 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2. Ngoài ra, giao thông giữa Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN không bị hạn chế nhiều so với các khu vực khác trong bối cảnh dịch bệnh, đã phần nào giúp thúc đẩy thương mại của Trung Quốc với các nước này.

(Global Times)

WWF kêu gọi Đông Nam Á ngừng buôn bán động vật hoang dã

Dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc ngừng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã không được kiểm soát. Giờ đây, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đang kêu gọi Đông Nam Á cũng nên theo bước chân của nước này.

WWF đã hoan nghênh lệnh cấm của Bắc Kinh nhưng cũng nói rằng điều đó là chưa đủ. Mặc dù nguyên nhân chính xác của sự bùng phát dịch Covid-19 vẫn chưa được xác định, nhiều người tin rằng có thể liên quan đến việc con người sử dụng thịt động vật hoang dã sống.

Giám đốc WWF khu vực châu Á Thái Bình Dương A. Christy Williams cho biết, các quốc gia Đông Nam Á nên học hỏi từ ví dụ của Trung Quốc và cấm bán thịt hoang dã để đảm bảo sức khỏe của công dân cũng như ngăn chặn thiệt hại cho nền kinh tế, như những gì đang xảy ra do Covid-19. Điều này có nghĩa là các quốc gia này cần phải ngăn chặn đường luân chuyển động vật hoang dã vào đất nước của mình.

Ông Williams đang đề cập thực tế là trước đây, Trung Quốc đã có các lệnh cấm tương tự với ngà voi và những kẻ buôn lậu chuyển hướng sang Đông Nam Á. Đó cũng là lý do WWF đang thúc giục các quốc gia khác trong khu vực tăng cường kiểm tra thị trường và nâng cao nhận thức của công chúng để ngăn chặn việc bán và tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã.

(VOA)

Vấn đề bình đẳng giới của lãnh đạo ASEAN

Có thể thấy, 9/10 lãnh đạo các nước ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao đều là nam. Chỉ có Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi là người phụ nữ duy nhất lãnh đạo một quốc gia Đông Nam Á. Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi cũng là người phụ nữ duy nhất đứng đầu cơ quan ngoại giao một nước trong khu vực, và bà cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này ở Indonesia.

Trong 53 năm tồn tại, phụ nữ tại các nước ASEAN vẫn chưa được thể hiện nhiều trong giới chính trị. Các nhà hoạt động tin rằng, vấn đề này liên quan nhiều đến văn hóa và việc thiếu ý chí chính trị để biến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trở thành một mục tiêu nổi bật.

Trong lịch sử, chỉ một số ít các quốc gia Đông Nam Á bổ nhiệm phụ nữ làm Ngoại trưởng, trong đó có Philippines. Philippines có tỷ lệ phụ nữ ở vị trí lãnh đạo cao nhất khu vực: cứ 96 phụ nữ nắm quyền ở các cơ quan nhà nước thì có 100 nam giới nắm vị trí tương tự, theo dữ liệu năm 2018 từ một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey. Các nước có tỷ lệ thấp nhất bao gồm Malaysia (26/100), Indonesia (30/100) và Việt Nam (35/100).

Điều này vẫn xảy ra mặc dù ASEAN đã có Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). Tuy nhiên, do một số vấn đề như cách tiếp cận, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu ý chí chính trị và một số vấn đề khách quan khác, khiến vấn đề về quyền phụ nữ không được coi trọng nhiều.

(Jakarta Post)