📞

Tin tức ASEAN sáng 23/10: Thái Lan tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là chìa khóa hồi sinh kinh tế

Thu Hiền 09:40 | 23/10/2020
TGVN. Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ASEAN đóng vai trò then chốt trong phục hồi kinh tế hậu dịch, ASEAN cần tập trung vào các dự án phát triển xanh,... là những tin chính trong bản tin ASEAN buổi sáng 23/10.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia. (Nguồn: AP)

Covid-19 tại ASEAN: Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp, Indonesia vẫn có ca nhiễm mới cao nhất

Trong ngày 22/10, ASEAN ghi nhận thêm 8.278 ca mắc và 178 ca tử vong vì Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại ASEAN lên trên 869.536 ca, trong đó 21.076 ca tử vong.

Indonesia trong ngày 22/10 có thêm 4.432 ca nhiễm Covid-19và 102 ca tử vong. Indonesia vẫn là quốc gia có tổng số ca mắc Covid-19 cao nhất ASEAN.

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/10 là Philippines với 1.664 ca và 38 ca tử vong. Bộ Y tế Philippines cho biết ngày 22/10 là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong một ngày. Hiện số ca mắc Covid-19 tại Philippines lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.

Đứng thứ ba ASEAN về ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua là Myanmar với 1.312 ca và 33 ca tử vong. Malaysia cũng có số ca mắc tương đối cao khi ghi nhận 847 ca mới và 5 ca tử vong trong ngày 22/10.

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 10 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên 3.719, trong đó 59 người tử vong. Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng, đến hết tháng 11, nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin ngày 21/10 cho biết cơ quan này sẽ đề xuất việc gia hạn nói trên lên Nội các để thông qua vào ngày 27/10 tới.

Tại Lào, ngày 22/10, truyền thông nước này đưa tin đã phát hiện thêm một trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 24 ca. (TTXVN/TGVN)

ASEAN 2020: Phát triển đô thị thông minh cần bắt đầu từ quy hoạch

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020, sáng ngày 22/10 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị".

Hội thảo tập trung vấn đề phát triển liên kết vùng trên cơ sở các đặc trưng đô thị, xây dựng tầm nhìn dài hạn và quy hoạch định hướng phát triển đô thị thông minh, quản lý quá trình phát triển của đô thị.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, hướng tới mục tiêu làm cho thành phố thông minh hơn cần bắt đầu từ quy hoạch thông minh, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch. Những nội dung này cần lồng ghép vào Chiến lược đô thị hóa, coi đây là vấn đề trung tâm.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực, bất lợi và hệ lụy chưa từng có đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đại dịch cũng mở ra cơ hội nâng cao nhận thức "số hóa" trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, giúp chính quyền đô thị nhận thức rõ ràng hơn vai trò của công nghệ trong vận hành mọi mặt đời sống. Đây là điều kiện thuận lợi, tiền đề tích cực cho phát triển đô thị thông minh tại ASEAN và Việt Nam.

Các đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng, về quy mô vùng, cần sẵn sàng kết nối để tạo thành mạng lưới thông minh có sức cạnh tranh, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Nhiệm vụ và giải pháp quan trọng hàng đầu là lồng ghép các mục tiêu phát triển thông minh vào chiến lược, định hướng, tầm nhìn dài hạn. Trong ngắn hạn cần xây dựng, phát triển các tiện ích quản lý đô thị thông minh góp phần minh bạch hóa, kêu gọi sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển đô thị thông minh.

Chỉ khi việc xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau. (TTXVN/TGVN)

MSME là động lực quan trọng trong các nền kinh tế Đông Nam Á. (Nguồn: Internet)

Vai trò then chốt của MSME đối với sự hồi phục hậu Covid-19 của các nước Đông Nam Á

Theo một báo cáo mới từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng cường sự năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) với sự sáng tạo và quốc tế hóa là chìa khóa để hồi sinh các nền kinh tế Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo Giám sát Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa châu Á (ASM) 2020 của ADB cho biết MSME là động lực quan trọng trong các nền kinh tế Đông Nam Á, chiếm trung bình 97% tổng số doanh nghiệp, 69% lực lượng lao động quốc gia và đóng góp trung bình 41% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước trong giai đoạn 2010-2019.

Nhà kinh tế Yasuyuki Sawada của ADB cho biết trong bối cảnh các MSME ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, việc hỗ trợ sự phát triển cho các doanh nghiệp này, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần vào tăng trưởng toàn diện và hỗ trợ các nỗ lực phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Ông Sawada nhấn mạnh với việc cung cấp một bộ dữ liệu và phân tích phong phú về sự phát triển của MSME ở Đông Nam Á trước đại dịch Covid-19, ASM 2020 sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ khả thi cho các MSME.

Phần đầu tiên của ASM 2020 trình bày đánh giá chi tiết về các vấn đề tài chính và phi tài chính mà các MSME ở Đông Nam Á đang phải đối mặt ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Báo cáo này cũng phân tích các chính sách và quy định xung quanh việc phát triển MSME và tiếp cận tài chính ở mỗi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Các nội dung chính trong phần 2 của ASM 2020, dự kiến công bố vào ngày 28/10, sẽ xem xét tác động của đại dịch Covid-19 đối với MSME ở Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan dựa trên các cuộc khảo sát nhanh được thực hiện từ tháng 3-5 năm nay. (Tân Hoa xã)

Phục hồi hậu Covid-19 cần lưu ý chống biến đổi khí hậu

Ngân hàng HSBC cho rằng quỹ phục hồi sau đại dịch của ASEAN nên ưu tiên các dự án có mục tiêu xanh. Các dự án về phục hồi sau đại dịch liên quan tới những cam kết về khí hậu và phát triển bền vững khu vực cần được ưu tiên.

Quỹ phục hồi hậu Covid-19 dự kiến được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới. Quỹ sẽ tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực với tổng kinh phí lên khoảng 2,8 nghìn tỷ USD. Quỹ cũng đồng thời cung cấp các biện pháp kích thích tức thì cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Mặc dù vậy, theo nghiên cứu dự đoán, GDP của ASEAN có thể giảm 11% vào năm 2100 nếu các vấn đề biến đổi khí hậu không được giải quyết.

Do vậy, những ưu tiên trong việc chống lại các thảm họa thiên nhiên bao gồm nước biển dâng cao, đảm bảo an ninh lương thực và hướng tới các nguồn năng lượng ít carbon cần phải được chú trọng nhiều hơn nữa.

Với tốc độ gia tăng dân số cao ở Nam Á và ASEAN, HSBC nhận thấy việc kiềm chế mức tăng phát thải bình quân đầu người sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định liệu thế giới có thể đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay không. (Bangkok Post)