Nhật Bản, Ấn Độ củng cố hợp tác an ninh mạng với ASEAN
Cả Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí về các thỏa thuận riêng rẽ với các nước ASEAN trong lĩnh vực an ninh mạng.
Sau quyết định gần đây liên quan đến việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ quan trọng, Nhật Bản và Ấn Độ hiện đang hướng tới quan hệ xa hơn với các quốc gia ASEAN trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh mạng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các hoạt động phối hợp và hợp tác về an ninh mạng sắp tới giữa ASEAN và Nhật Bản là nội dung thảo luận trọng tâm của của Hội nghị trực tuyến về Chính sách An ninh mạng ASEAN-Nhật Bản lần thứ 13 vừa được Nhật Bản và Campuchia đồng chủ trì.
Đại diện các nước đến từ ASEAN và Nhật Bản đã cung cấp thông tin cập nhật về tiến trình thực hiện các chiến lược và chính sách an ninh mạng của từng quốc gia.
Tổng Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Sẵn sàng Đối với Sự cố và Chiến lược An ninh Mạng Nhật Bản (NISC), Kenichi Takahashi, nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc thiết lập các "tiêu chuẩn mạng" phù hợp giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa mạng đang gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động kỹ thuật số thay cho các tiếp xúc trực tiếp.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã đưa ra Kế hoạch Hành động Ấn Độ - ASEAN 2021-2025, trong đó nêu ra các biện pháp để Ấn Độ mở rộng hợp tác với các nước ASEAN trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và an ninh dưới nhiều hình thức bao gồm an ninh biên giới, an ninh hàng hải, và an ninh mạng.
Kế hoạch cũng đưa ra cách giải quyết các vấn đề quan trọng tại khu vực như hợp tác hàng hải, phát triển bền vững, phát triển tài nguyên biển, kết nối trực tiếp và kết nối kỹ thuật số, và tăng cường giao lưu nhân dân thông qua các sáng kiến như y tế, giáo dục, và du lịch.
Các thông tin nói trên diễn ra ngay sau khi Ấn Độ và Nhật Bản nhất trí với nhau về một thỏa thuận mới về các chiến lược cải tiến để có thể “bỏ qua Trung Quốc”, và tiến hành hợp tác trong công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng. Đặc biệt, hợp tác về phát triển công nghệ 5G được đưa ra sau khi Ấn Độ và một số đồng minh của Mỹ có động thái "miễn cưỡng" trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G từ gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Các công ty viễn thông của Ấn Độ đã xem xét các giải pháp thay thế cho các dịch vụ 5G từ Trung Quốc ít nhất là từ giữa năm nay, khi những xung đột biên giới giữa hai siêu cường châu Á dẫn đến lệnh cấm trên toàn quốc đối với các dịch vụ công nghệ thông tin của Trung Quốc, chẳng hạn như các ứng dụng di động phổ biến ở Ấn Độ.
(Tech Wire Asia)
Một làng chài Việt Nam. (Nguồn: ASEAN Today) |
Nỗ lực của Việt Nam trong việc chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp được đánh giá cao
Trang tin ASEAN Today có trụ sở tại Singapore, ngày 26/10 đã đăng bài viết với tựa đề “Việt Nam được ca ngợi về các nỗ lực chống đánh cá bất hợp pháp”, trong đó đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bài viết dẫn lời Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam Rubén Saornil Mínguez khẳng định Việt Nam đã nâng cao các tiêu chuẩn trong ngành đánh bắt cá, xây dựng chuỗi giá trị và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Bài viết nhấn mạnh những nỗ lực nhằm gia tăng tính minh bạch và quản trị là một phần trong kế hoạch tổng thể mới của Việt Nam về quản lý nguồn thủy sản. Kế hoạch cũng bao gồm các chương trình nhằm đảm bảo tất cả các tàu cá tuân thủ các quy định và sáng kiến để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Các chương trình của nhà nước cũng đang giúp một số nhà sản xuất chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang các sản phẩm chế biến. Điều này cung cấp cho các nhà sản xuất sự linh hoạt hơn, cho phép họ bán sản phẩm trực tuyến và giảm thiểu các tác động từ những cú sốc kinh tế.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, tổng giá trị xuất khẩu lên tới 8,6 tỷ USD năm 2019.
(ASEAN Today)
ASEAN lồng ghép giới trong chính sách lao động để thúc đẩy việc làm bền vững
Ngày 26-/0, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SLOM) lần thứ 16 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện quan chức cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam tham dự do bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, bà Hà Thị Minh Đức cập nhật tiến độ và lộ trình thực hiện Tiến trình xây dựng và thông qua Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, hoạt động do Việt Nam chủ trì.
Đề cập đến hoạt động lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người, bà Hà Thị Minh Đức nêu rõ, hiện bản Hướng dẫn lồng ghép giới vào luật pháp và các chính sách lao động đã được hoàn thiện. Việt Nam sẽ tổ chức Khóa đào tạo triển khai hướng dẫn vào đầu năm 2021.
Các đoàn cũng ghi nhận cập nhật của Ban Thư ký ASEAN về tiến độ thực hiện các quyết định của các cuộc họp ASEAN liên quan tới SLOM; thông tin về các tuyên bố của ASEAN được thông qua thời gian qua. Ban Thư ký ASEAN thông tin về Khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch tổng thể thực hiện Khung trong thời gian tới. Các quốc gia thành viên ASEAN xem xét và thống nhất các kế hoạch công tác thuộc kênh lao động giai đoạn 2021-2025.
(TTXVN)
Tình hình dịch Covid-19
Tính đến hết rạng sáng ngày 26/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 901.913 ca mắc Covid-19, tăng 7.506 ca, trong đó có 21.933 ca tử vong, tăng 208 ca so với một ngày trước.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 392.934 ca nhiễm, tăng 3.222 so với hôm trước, trong đó 13.411 người chết, tăng 112 ca.
Philippines báo cáo 371.630 ca nhiễm và 7.039 ca tử vong, tăng lần lượt 1.607 và 62 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người du lịch nước ngoài từ 21/10.
Ngày 26/10, Malaysia đã kéo dài thêm 2 tuần nữa, đến hết ngày 9/11, lệnh phong tỏa một phần thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận trong bối cảnh nước này cùng ngày ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Malaysia có động thái trên sau khi Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.240 ca nhiễm và 7 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, Malaysia đến nay có tổng cộng 27.805 ca mắc Covid-19, trong đó có 236 ca tử vong.
Trong khi đó, ngày 26/10, Myanmar ghi nhận thêm 1.426 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên 46.200 ca, trong đó 1.122 ca tử vong.
Myanmar đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập, cũng như dỡ bỏ sắc lệnh buộc người dân phải ở trong nhà để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới.
Theo thông báo tối 25/10 của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, các cuộc tụ tập từ 30 người trở lên sẽ được phép tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Những công dân đang cư trú tại các thành phố áp đặt lệnh "ở trong nhà" sẽ được phép đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân vào ngày bầu cử.
Lệnh “ở trong nhà” được áp đặt từ ngày 12/8 tại toàn bộ các thành phố ở bang Rakhine và vùng Yangon (trừ thành phố Cocokyun) và 13 thị trấn ở Mandalay, Bago, Ayeyawaddy và bang Mon và Kachin nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
(Tổng hợp)