📞

Tình bạn thời nay kém bền vững hơn?

23:02 | 01/03/2016
Phân tích của Julie Beck - biên tập viên tờ The Atlantic về sự bền vững của tình bạn trong cuộc sống hiện đại.
Ảnh minh họa

Khi nhà tâm lý học người Đức gốc Do Thái Kurt Lewin chạy trốn sự thống trị của Đức Quốc xã và di cư đến Mỹ vào năm 1933, cũng giống như nhiều người nhập cư khác, ông cảm thấy cuộc sống mới tại đây có nhiều điều khiến ông bối rối, đặc biệt là những mối quan hệ bạn bè.

Trong nghiên cứu “Một số khác biệt về Xã hội – Tâm lý giữa Mỹ và Đức” năm 1936, ông đã viết: “So với người Đức, người Mỹ dường như dễ kết bạn, làm quen cũng như quen nhiều bạn cùng một lúc hơn. Tuy nhiên, những mối quan hệ này thường không tồn tại lâu dài và sẽ chấm dứt sau một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, dù sau nhiều năm gắn bó thân thiết, những người bạn dễ dàng có được vẫn có thể chia tay dễ dàng như những người vừa mới quen biết nhau”.

Lewin đã nghĩ rằng, mối quan hệ bạn bè tạm bợ - dễ dàng có được, dễ dàng từ bỏ khi tình cảm sứt mẻ – là kết quả của tính linh động cao trong môi trường sống tại Mỹ. Tuy nhiên, kể từ thời của Lewin đến nay, Mỹ luôn là một xã hội như thế: Mọi người có thể dễ dàng di chuyển chỗ ở từ nơi này đến nơi khác và bỏ lại nhiều thứ khi họ ra đi đến miền đất mới.

Nghiên cứu của Giáo sư Shigehiro Oishi (Đại học Virginia, Mỹ) chỉ ra rằng: Việc thay đổi chỗ ở thường xuyên có thể dẫn đến việc suy giảm chất lượng của những mối quan hệ xã hội – đặc biệt đối với những người có tính nhút nhát vì họ thường cảm thấy khó khăn khi thay thế những người bạn của mình khi họ chuyển đến sống tại nơi khác.

Ngoài ra, nghiên cứu của Omri Gillath (Đại học Kansas, Mỹ) và Lucas Keefer (Đại học Dayton, Mỹ) cũng cho thấy, những ai càng hay chuyển chỗ ở thì họ lại càng có khả năng từ bỏ dễ dàng những mối quan hệ. Đơn giản vì họ quen với ý nghĩ rằng mọi thứ đều có thể vứt đi.

Gillath và Keefer đã thực hiện một loạt các nghiên cứu quy mô nhỏ, trong đó những người tham gia được yêu cầu cho biết mức độ sẵn lòng của họ khi từ bỏ đồ đạc và các mối quan hệ; cũng như số lần thay đổi chổ ở của họ. Kết quả là, những người chuyển nơi cư trú càng nhiều thì càng có khả năng dễ vứt bỏ những vật dụng, đồ đạc (có lẽ bởi vì họ phải lựa chọn những tài sản, đồ đạc khi họ chuyển đi nơi khác). Và việc dễ dàng vứt bỏ đồ đạc cũng có thể dẫn đến việc từ bỏ những mối quan hệ xã hội.

Chuyển nơi sinh sống là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời mỗi người. Trừ phi một ai đó vẫn ở trong cùng một thị trấn hoặc chỉ di chuyển đến thị trấn bên cạnh, những mối quan hệ xã hội mà họ từng có được một cách dễ dàng cũng sẽ dễ dàng thay đổi, hoặc thậm chí là sẽ chấm dứt. Những nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, đây chính là nhân tố lớn nhất khiến cho nhiều người xa cách bạn bè của mình. Ngoài ra, trong suốt cuộc nghiên cứu, họ cũng không thấy bất kỳ sự khác biệt nào về tác động của việc di chuyển nơi ở đối với các mối quan hệ tình cảm nam nữ và quan hệ bạn bè. Nói cách khác, việc di chuyển chỗ ở thường xuyên là một nhân tố lớn khiến nhiều đôi lứa bị chia cắt.

Điều này không nên được hiểu là mọi người coi những người bạn của mình như những món đồ có thể dễ dàng bỏ đi như một thứ đồ cũ vô dụng, nhưng “việc chuyển chỗ ở cũng đòi hỏi chúng ta phải quyết định những mối quan hệ nào là đáng giữ và những mối quan hệ nào không cần thiết; những mối liên hệ nào có thể thay thế và cái nào nên được duy trì”, Gillath và Keefer viết trong nghiên cứu của mình.

Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng, những mối liên quan họ phát hiện được chỉ là một phần của một bức tranh phức tạp. Đối với một số người, việc di chuyển quá nhiều có thể khiến họ cô đơn và do đó có thể khiến họ cố gắng duy trì mối quan hệ với những bạn bè cũ ở xa. Dù vậy, họ vẫn cố gắng giữ liên lạc với những người bạn thân thiết hơn là với những người bạn còn lại.

(theo The Atlantic)