📞

Tình cảm ấm áp của thầy, cô dành cho học sinh vùng lũ

12:11 | 07/10/2022
Để các em ở vùng lũ yên tâm học tập, thầy cô giáo Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã thay nhau xuống bếp chuẩn bị bữa cơm ấm áp.
Trong tuần đầu tiên trở lại trường, hơn 1.000 suất cơm yêu thương đã đến với học sinh Trường THPT Thanh Chương 3. Đây là nguồn động viên ấm áp với các em học sinh vùng lũ sau thời gian phải nghỉ học. (Ảnh: Nhật Đức)

Hôm nay trống tiết, cô Nguyễn Thị Mai Hương (tổ Ngữ văn, Trường THPT Thanh Chương 3) vẫn đến trường, chỉ khác rằng cô không mang theo chiếc cặp da đựng giáo án lên lớp. Cô Hương đi thẳng xuống khu nhà bếp, nơi nhiều đồng nghiệp đã có mặt.

Tiếng trò chuyện, tiếng gọi nhau hỗ trợ í ới chộn rộn cả gian bếp. Các thầy cô giáo bình thường đứng trên bục giảng, nay tay dao tay thớt, nhặt rau cắt thịt, vo gạo nấu cơm, đứng bếp... chuẩn bị bữa ăn cho hơn 100 học sinh vùng ngập lũ của trường.

Tranh thủ trống tiết, các thầy giáo xuống bếp nhặt rau phụ nấu cơm. (Ảnh: Nhật Đức)

Thầy Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong đợt ngập lụt từ ngày 29/9 tới nay, nhiều địa phương trong huyện bị lụt nặng, chia cắt, nhiều gia đình phụ huynh bị hư hỏng tài sản. Nhà trường đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Từ ngày 3/10, học sinh toàn trường đi học trở lại. Tuy nhiên, địa hình nhiều nơi còn chia cắt, các em đi về khó đảm bảo an toàn, trong khi đó nhiều học sinh ở các xã xa, phải trọ học quanh trường cũng bị thiệt hại nặng nề từ trận lụt vừa qua.

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại, đặc biệt là số học sinh ở trọ không còn chỗ ở do ngập nước, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm dự trữ bị hư hại. (Ảnh: V. Minh)

"Đặc biệt là số học sinh đến từ vùng tái định cư xã Thanh Sơn, trọ học quanh trường, lũ gây ngập nặng khiến đồ dự trữ hư hỏng, không thể sử dụng, trong khi đó bố mẹ các em cũng đang ở vùng lũ chia cắt, không thể gửi tiền hay thức ăn, đồ dùng sinh hoạt lên kịp.

Mặc dù nhà trường đã động viên, hỗ trợ ban đầu nhưng một số em phải lên ngôi chùa gần trường tá túc. Ngoài ra có một số học sinh các xã xa buổi trưa không thể về nhà, mang theo cơm hoặc mì tôm để ăn, chờ đến chiều tiếp tục học", thầy Quyền cho hay.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, chia sẻ với những thiệt hại của gia đình các em và để học sinh yên tâm tới lớp những ngày sau lũ, lãnh đạo nhà trường và Công đoàn trường đã tổ chức bếp ăn tập thể, dành những suất cơm yêu thương tới các em. Theo danh sách đăng ký, mỗi ngày các thầy cô chuẩn bị khoảng 250 suất ăn/2 bữa trưa và tối cho các em học sinh.

Các suất cơm được thầy cô giáo Trường THPT Thanh Chương 3 (xã Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An) nấu dành cho học sinh. (Ảnh: Quỳnh Trang/laodong)

Ngoài kinh phí đóng góp của các thầy, cô giáo trong trường, nhà trường và tổ chức công đoàn đã vận động sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân, đặc biệt là cựu học sinh để cùng chăm lo cho các em, đảm bảo bữa cơm dinh dưỡng, đủ đầy.

Trận lụt vừa rồi đã khiến nhiều tài sản, vật dụng của gia đình em Hoàng Thùy Linh (lớp 11D1) bị hư hỏng, mẹ vừa sinh em bé đang nằm viện, gia đình đông người vốn đã chật vật, nay càng khó khăn hơn. Biết thông tin về bữa cơm của thầy cô dành cho học sinh vùng ngập lũ, Linh mạnh dạn đăng kí.

Thay vì đạp xe băng qua những con đường nước chưa rút hẳn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, buổi trưa Linh ở lại, ăn cơm cùng thầy cô và các bạn. Xong bữa, Linh cùng nhiều bạn khác tự động dọn dẹp, rửa sạch bát đũa rồi lên lớp nghỉ ngơi, chuẩn bị cho giờ học buổi chiều.

"Cơm rất ngon, quan trọng hơn là có thầy cô và các bạn cùng ăn nên rất vui ạ", Linh chia sẻ.

Những bữa cơm đa dạng về món và đảm bảo về dinh dưỡng mang theo tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò. (Ảnh: Nhật Đức)

Ngoài chuẩn bị hơn 1.100 suất cơm cho học sinh trong tuần đầu tiên trở lại trường sau lũ, bếp cơm của Trường THPT Thanh Chương 3 hiện đang phục vụ bữa ăn cho các thầy, cô giáo có nhà ở xa và 30 suất cơm miễn phí mỗi ngày dành tặng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với nguồn kinh phí vận động, nhà trường tận dụng các khoảng đất trống để trồng thêm rau xanh hay hoa Tết, phục vụ bếp ăn hay bán lấy kinh phí duy trì hoạt động của những bữa cơm ăm ắp nghĩa tình thầy trò.

(theo Hoàng Lam/Dân trí)