📞

Tình hình Afghanistan: Anh, Đức tìm kiếm cách tiếp cận chung của G7; Mỹ cho nổ cơ sở cuối cùng của CIA, Nga 'hoài nghi' tất cả các sự kiện

MK. 22:15 | 28/08/2021
Anh và Đức tìm cách tiếp cận chung của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với chính phủ tương lai của Afghanistan trong khi Nga cho biết đang liên lạc đầy đủ với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) về tình hình ở Afghanistan.
Các lực lượng Taliban phong tỏa những con đường dẫn tới Sân bay Quốc tế Hamid Karzai sau các vụ nổ ở Kabul, Afghanistan, ngày 27/8. (Nguồn: Reuters)

Trong cuộc điện đàm ngày 28/8 thảo luận về tình hình Afghanistan, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Đức Angela Merkel đã nhất trí về sự cần thiết của hoạt động viện trợ quốc tế cũng như một cách tiếp cận chung của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với chính phủ tương lai của Afghanistan.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Thủ tướng và người đồng cấp Đức đã quyết tâm phối hợp cùng với các nước còn lại trong G7 để thực hiện một lộ trình giao thiệp với bất kỳ chính phủ mới nào của Afghanistan vốn đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần trước".

Tuyên bố cho biết thêm Thủ tướng Johnson nhấn mạnh rằng bất kỳ sự công nhận và can dự nào với Taliban phải có điều kiện là lực lượng này phải đảm bảo một hành lang an toàn cho những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước và tôn trọng nhân quyền.

Theo một thống kê của hãng tin Reuters ngày 28/8, Mỹ và các đồng minh đã sơ tán khoảng 111.000 người khỏi Afghanistan kể từ ngày 14/8, trước thời điểm lực lượng Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva đang liên lạc đầy đủ với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) về tình hình ở Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường sự tương tác này.

Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: "Chúng tôi liên lạc đầy đủ với các thành viên CSTO về tình hình Afghanistan. Sự tương tác của chúng tôi trong CSTO phải được tăng cường".

Ông lưu ý các diễn biến ở Afghanistan có thể gây ra mối đe dọa cho các nước CSTO liên quan đến nạn buôn bán ma túy và sự xâm nhập của phiến quân.

Ông còn nhấn mạnh: "Chúng ta chắc chắn không muốn tất cả những điều này xảy ra đối với các quốc gia của chúng ta, các nước thành viên CSTO".

Mỹ cho nổ cơ sở CIA cuối cùng ở Afghanistan. (Nguồn: Indiablooms)

Cùng ngày, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, quân đội nước này đã phá hủy Căn cứ Đại bàng (Eagle Base), cơ sở cuối cùng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Afghanistan, bên ngoài sân bay Kabul bằng vụ nổ bom có kiểm soát.

Theo báo trên, người Mỹ đã phá bỏ căn cứ chứa các thiết bị và dữ liệu còn lại để phòng trường hợp bị rơi vào tay của Taliban. Cần lưu ý rằng việc phá hủy căn cứ này đã được lên kế hoạch trước và không liên quan đến các cuộc tấn công tại sân bay Kabul.

Trước đó, trong cuộc trò chuyện với đài Sputnik, Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Quốc tế Nga Yuri Zhdanov bày tỏ quan điểm một số thủ lĩnh của Taliban trước đây được thả khỏi nhà tù Guantanamo và có thể đã được CIA tuyển mộ.

Ông nói: “Có rất nhiều hoài nghi trong tất cả những sự kiện ở Afghanistan. Ngoài sự thành công nhanh chóng của Taliban, các kho chứa nhiều loại vũ khí hiện đại trong tình trạng tốt, còn nguyên vẹn, đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Không có ai phá hủy chúng hoặc tìm cách làm điều đó”.

Ông này cho rằng người Mỹ đã gây dựng mạng lưới đặc vụ của mình trong hàng ngũ Taliban để quản lý sự hỗn loạn này, và tuyển mộ một số thành viên Taliban.

“Cựu tù nhân nhà tù Guantanamo Abdul-Qayum Zakir được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan. Ông ấy là một trong những chỉ huy chiến trường chính của Taliban, tham gia các trận chiến với lực lượng Mỹ”, ông Yuri Zhdanov nói.

Theo chuyên gia này, vì lý do nào đó mà ông Zakir được thả khỏi Guantanamo và ông ta lại bắt đầu chiến đấu cho Taliban.

(theo Sputnik)