Kinh tế Đức tiếp tục đứng trước nhiều rủi ro. (Nguồn: Getty Images) |
Báo cáo tình hình kinh tế tháng Tư do Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu liên bang Đức công bố ngày 12/4, cho biết các dữ liệu cụ thể đang mang lại hy vọng cho sự ổn định chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn ở mức cao.
Theo báo cáo, sau nhiều tháng trì trệ, các chỉ số kinh tế mới nhất cho thấy xu hướng đảo ngược đang diễn ra. Điều này báo hiệu "sự ổn định dần của nền kinh tế", mặc dù bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều biến động.
Báo cáo cho biết, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ở các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, đã phục hồi rõ rệt từ đầu năm nay. Ngoài tác động từ thời tiết thuận lợi, tình hình sức khỏe của người lao động trở lại bình thường sau khi số lượng nhân viên bị ốm tăng đáng kể vào cuối năm 2023, có thể đã góp phần tạo ra hiệu ứng bắt kịp trong sản xuất.
Kỳ vọng kinh doanh của các công ty đã sáng sủa hơn đáng kể trong tháng Ba và tình hình kinh doanh hiện tại cũng được cải thiện. Lĩnh vực thương mại cũng có xu hướng phát triển tích cực. Tuy nhiên, lượng đơn đặt hàng công nghiệp mới đang giảm, dẫn đến lượng đơn hàng tồn đọng tại các doanh nghiệp sản xuất cũng giảm.
Trong lĩnh vực bán lẻ, báo cáo cho biết mặc dù sức mua dần ổn định, việc làm tiếp tục gia tăng, tâm trạng người tiêu dùng đã tăng lên đáng kể, nhưng sự tăng trưởng cho đến nay vẫn còn yếu.
Mặc dù có những dấu hiệu tốt nhưng báo cáo cho rằng rủi ro đối với nền kinh tế Đức vẫn rất cao, nguyên nhân là lượng đơn đặt hàng giảm và những bất ổn địa chính trị hiện tại gia tăng, đặc biệt là những diễn biến đáng quan ngại ở khu vực Trung Đông.
Trong dự báo mới đây nhất, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu nước Đức cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm nay chỉ ở mức 0,1%. Phải đến năm 2025, tăng trưởng mới đạt mức cao hơn, dự kiến khoảng 1,4%.
Trong diễn biến tích cực liên quan, Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 12/4 đã xác nhận tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này trong tháng Ba tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, như số liệu sơ bộ ban đầu Destatis công bố hồi đầu tháng này. Đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giá lương thực và năng lượng giảm đã góp phần quan trọng kéo lạm phát đi xuống.
Theo Chủ tịch Destatis Ruth Brandt, giá năng lượng và thực phẩm giảm đã làm giảm tỷ lệ lạm phát trong tháng thứ hai liên tiếp. Đây là lần đầu tiên giá thực phẩm giảm sau hơn 9 năm (giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng lạm phát ở Đức sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới và sẽ giảm còn 2,3% trong cả năm nay, sau mức 5,9% của năm ngoái.
Dù nhu cầu nhà ở tại Đức hiện vẫn rất lớn nhưng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng nước này đang tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn.
Kết quả khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy tình hình xây dựng nhà ở vẫn căng thẳng. Lãi suất và chi phí xây dựng cao khiến sự suy giảm trong ngành xây dựng vẫn chưa thể chấm dứt. Số lượng đơn đặt hàng bị hủy bỏ tiếp tục tăng, trong khi số lượng đơn hàng mới lại thiếu trầm trọng.
Theo số liệu khảo sát, trong tháng Ba, 19,6% số doanh nghiệp được khảo sát bị ảnh hưởng bởi các đơn đặt hàng bị hủy bỏ. Con số này trong tháng Hai là 17,7%. Trong khi đó, có tới 56,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang thiếu đơn đặt hàng mới (tháng Hai là 56,1%).
Chuyên gia Klaus Wohlrabe của Viện Ifo cho biết, tình hình xây dựng nhà ở tại Đức vẫn khó khăn. Có quá ít đơn đặt hàng mới và chúng không thể bù đắp số lượng đơn hàng bị hủy bỏ. Do thiếu đơn đặt hàng, nhiều công ty phải giảm hoạt động xây dựng. Chỉ số môi trường kinh doanh xây dựng khu dân cư rõ ràng vẫn ở mức tiêu cực. Tình hình trong những tháng tới tiếp tục ảm đạm.
Lãi suất cao và chi phí xây dựng tăng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trì trệ trong ngành xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở. Do đó, ngành này đang kêu gọi các biện pháp chính trị mạnh mẽ để kích thích tăng trưởng. Theo các hiệp hội trong ngành xây dựng và bất động sản, chính phủ Đức và chính quyền các bang nên thiết lập nguồn tài trợ đặc biệt để khắc phục tình trạng sụt giảm trong xây dựng nhà ở.
Theo thỏa thuận ban đầu của liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP), mục tiêu xây dựng nhà ở mỗi năm là 400.000 căn hộ mới. Tuy nhiên các chuyên gia trong ngành cho rằng mục tiêu này ngày càng khó đạt được hơn.
Năm ngoái, khoảng 270.000 căn hộ đã được xây mới. Theo ước tính, số lượng căn hộ mới năm nay sẽ ít hơn năm ngoái khoảng 50.000 căn, do số lượng giấy phép xây dựng mới giảm mạnh và rất nhiều dự án đã được phê duyệt đang bị hủy bỏ.
Số liệu của Destatis gần đây cho thấy, hơn 9,5 triệu người ở Đức đang phải sống trong những căn hộ chật chội, trong khi tình trạng thiếu nhà ở ngày càng tăng lên, kéo theo giá thuê nhà tiếp tục đi lên.
| Giá cà phê hôm nay 12/4/2024: Giá cà phê tiếp tục chinh phục các đỉnh cao, nguồn cung toàn cầu đang thiếu hay thừa? Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 2/2024) đạt tổng cộng 56,2 triệu bao, tăng ... |
| Nước nào soán ngôi nền kinh tế thứ 3 thế giới của Nhật Bản, dự báo bất ngờ về Ấn Độ Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/2 cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản giảm hai quý liên ... |
| Hai nền kinh tế lớn của thế giới 'cập bến' suy thoái, Mỹ tự tin đi ngược chiều? Tuần trước, Anh và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn của thế giới - lần lượt thông báo rơi vào suy thoái kỹ ... |
| Biển Đỏ vẫn 'nổi bão', hãng tàu hàng đầu thế giới cảnh báo về rủi ro gia tăng Công ty vận tải biển Maersk ngày 22/3 cho biết, còn quá sớm để nối lại hoạt động vận tải đi qua Biển Đỏ do ... |
| Lộ thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới Theo báo cáo của một nhóm các học giả từ năm quốc gia là Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc, Tổng sản phẩm ... |