Căng thẳng Serbia-Kosovo gia tăng sau vụ đụng độ tại nhà thờ Banjska gần biên giới hai bên - Ảnh: Lực lượng an ninh Kosovo tuần tra gần khu vực đụng độ. (Nguồn: Reuters) |
Theo báo trên, việc chuyển xe bọc thép cho thấy tình hình khẩn cấp đang diễn tiến ở miền Bắc Kosovo.
Ngày 24/9, người đứng đầu Kosovo đã cáo buộc chính quyền Serbia sát hại một cảnh sát.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo 3 người Serbia đã thiệt mạng sau cuộc đối đầu giữa các tay súng và phía Kosovo tại một tu viện gần biên giới với Serbia.
Ông khẳng định: “Mọi thứ đang diễn ra đã củng cố niềm tin của tôi rằng chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo".
Trong khi đó, ngày 25/9, Nga miêu tả căng thẳng ở Kosovo là “thách thức”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Tình hình ở đó rất căng thẳng và có khả năng nguy hiểm... Những hành động khiêu khích thường được tổ chức nhằm vào người Serbia không phải là điều bí mật đối với bất kỳ ai”.
Theo ông, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Kosovo.
Về phần mình, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, nước này chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát ở miền Bắc Kosovo và kêu gọi Kosovo và Serbia giảm căng thẳng.
Ông Blinken nêu rõ: “Thủ phạm của tội ác này phải chịu trách nhiệm thông qua một quá trình điều tra minh bạch”.
Tháng 2/2008, tỉnh tự trị Kosovo-Metohija của Serbia đã đơn phương tuyên bố độc lập và những năm gần đây luôn đẩy mạnh nỗ lực gia nhập các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
Hơn 60 quốc gia, bao gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã phản đối việc công nhận Kosovo.