Các nhân viên Hội Chữ thập đỏ Myanmar đã bị bắt giữ, đe dọa và bị thương khi cố gắng chữa trị cho dân thường bị thương đang ngày một gia tăng. (Nguồn: IFRC) |
IFRC bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng sau 2 tháng xảy ra chính biến. Hội Chữ thập đỏ Myanmar đã chăm sóc cho hơn 2.000 người dân và họ cũng bị tấn công.
Giám đốc IFRC khu vực châu Á-Thái Bình Dương Alexander Matheou nêu rõ: "Các nhân viên cấp cứu và y tế của Hội Chữ thập đỏ Myanmar đã bị bắt giữ một cách vô lý, đe dọa và bị thương. Tài sản và xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ bị phá hoại".
"Điều này không thể chấp nhận được. Các nhân viên y tế không bao giờ nên là mục tiêu bị tấn công. Họ cần được tiếp cận nhân đạo một cách không giới hạn với những người cần được giúp đỡ", ông Matheou nói.
Tuyên bố của IFRC không nêu rõ bên nào phải chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công.
Hội Chữ thập đỏ cảnh báo, cuộc khủng hoảng tại Myanmar tạo ra mối đe dọa lớn về y tế khi các dịch vụ cơ bản như giao thông hoặc ngân hàng sụp đổ, khiến các chương trình nhân đạo khó trụ vững.
Bạo động cũng đe dọa các nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, khi công tác xét nghiệm, truy vết và điều trị giảm sút nghiêm trọng.
Liên quan tình hình Myanmar, Bộ Ngoại giao Thái Lan bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về số thương vong trong vụ bạo động hồi cuối tuần qua ở Myanmar.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho biết, nước này kêu gọi giảm leo thang tình hình, chấm dứt bạo lực và tiếp tục trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Theo ông Tanee Sangrat, Thái Lan đang phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á vì một giải pháp hòa bình.