Người biểu tình Myanmar trong một cuộc tuần hành hôm 27/3 tại Yangon, Myanmar. (Nguồn: CNN) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín
Các nguồn tin ngoại giao ngày 29/3 cho biết Anh đã kêu gọi HĐBA LHQ họp khẩn về tình hình tại Myanmar, nơi có nhiều người biểu tình thiệt mạng hồi cuối tuần qua.
15 thành viên của HĐBA LHQ sẽ bắt đầu phiên họp kín từ ngày 31/3, trong đó có báo cáo nhanh của Đặc phái viên LHQ về Myanmar - bà Christine Schraner Burgener.
Thái Lan duy trì các cơ chế hợp tác quân sự
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 29/3 nhấn mạnh rằng chính phủ nước này không ủng hộ Myanmar sử dụng vũ lực đối với chính người dân của mình.
Truyền thông Thái Lan đưa tin, khi được hỏi về sự tham dự của các đại diện quân đội Thái Lan tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ của Myanmar trong bối cảnh quốc tế lên án chính quyền quân sự Myanmar, Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan cần duy trì các cơ chế quân sự với Myanmar để bám sát các diễn biến chính trị và mức độ bạo lực ở quốc gia láng giềng này.
Ngoại trưởng Singapore bi quan
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 29/3 cho rằng tình hình tại Myanmar là “một bi kịch rõ ràng” cần thời gian để vượt qua, đồng thời khẳng định các nước Đông Nam Á cần có quan điểm về cách thức ứng phó vấn đề này.
Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Balakrishnan thừa nhận: “Vấn đề này sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết. Phải thú nhận rằng tôi bi quan (về tình hình tại Myanmar)”.
Theo Ngoại trưởng Singapore, với sự tín nhiệm, vai trò trung tâm và sự liên quan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có quan điểm về vấn đề Myanmar và đưa ra những trợ giúp mang tính xây dựng dành cho nước này.
Tuy nhiên, ông Balakrishnan không kỳ vọng vào những giải pháp nhanh chóng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Singapore cũng bày tỏ hy vọng Myanmar sẽ cân nhắc các quan điểm của các lãnh đạo ASEAN.
Trước đó, Ngoại trưởng Balakrishnan đã có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối cuộc chính biến hôm 1/2 tại Myanmar và việc quân đội nước này trấn áp đẫm máu người biểu tình. Ông cũng hối thúc ASEAN đóng vai trò trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Myanmar.
Trung Quốc lo ngại làn sóng người tị nạn
Các nguồn tin ngày 29/3 cho biết Trung Quốc đã gia tăng các quy định về nhập cảnh vào nước này từ Myanmar.
Theo đó, giới chức Trung Quốc bắt đầu cấm người Myanmar lưu trú tại các khách sạn của Trung Quốc, với lo ngại tình hình tại quốc gia láng giềng có thể lan sang nước này.
Tới nay, Trung Quốc khá kiềm chế trong việc lên án tình hình tại Myanmar sau cuộc chính biến.
Có nhiều ý kiến cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc dường như lo ngại một làn sóng người tị nạn từ Myanmar sẽ ảnh hưởng tới an ninh ổn định ở nước này.
Nga làm rõ mối quan hệ với Myanmar
Điện Kremlin ngày 29/3 tuyên bố Nga có mối quan hệ lâu đời và mang tính xây dựng với Myanmar song điều này không có nghĩa Moscow tán thành những vụ việc bi thảm đang diễn ra tại đất nước Đông Nam Á này.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tới Myanmar.
Hôm 26/3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã có cuộc gặp gỡ với Tổng tư lệnh Myanmar Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyidaw, một ngày trước khi Myanmar tổ chức cuộc duyệt binh lớn đánh dấu Ngày Lực lượng vũ trang Myanmar (27/3). Ông Min Aung Hlaing hiện là người nắm quyền tại Myanmar sau khi quân đội tiến hành chính biến ngày 1/2.
Hiện số người thiệt mạng từ các vụ bạo lực liên quan tới những cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar đã lên tới 459 người.