Một ngôi nhà bị trúng pháo kích sau giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) ở Khartoum ngày 6/6. (Nguồn: AFP) |
Trong những tuần qua, những ngôi nhà ở thủ đô Khartoum rung chuyển vì giao tranh vẫn không suy giảm. Các gia đình phải trú ẩn tại chỗ, cạn kiệt nguồn cung cấp thiết yếu, trong thời tiết mùa hè nóng nực.
LHQ nói rằng gần 1,5 triệu người đã rời khỏi thủ đô Khartoum kể từ khi bạo lực nổ ra vào giữa tháng 4.
Toàn bộ các quận của Khartoum không còn nước sinh hoạt và những người ở lại thành phố đã không có điện kể từ ngày 22/6.
Cuộc chiến giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội quốc gia Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó cũ của ông, chỉ huy Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) Mohamed Hamdan Daglo, đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Bạo lực đẫm máu nhất đã nổ ra ở Darfur, một khu vực rộng lớn phía Tây giáp biên giới với Cộng hòa Chad, nơi LHQ đã cảnh báo về những tội ác chống lại loài người có thể xảy ra và cho biết cuộc xung đột đã mang "chiều hướng sắc tộc".
Tại thủ phủ Nyala của bang Nam Darfur, cư dân cho biết họ đã bị kẹt trong làn đạn giao tranh, cùng các trận đánh, pháo kích.
Một nhân viên y tế giấu tên nói: " Nhiều thường dân thiệt mạng và những người bị thương đang được đưa đến bệnh viện".
LHQ hôm 24/6 kêu gọi "hành động ngay lập tức" để ngăn chặn các vụ giết hại những người chạy trốn khỏi El Geneina, thủ phủ bang Tây Darfur, bởi các dân quân Arab được lực lượng bán quân sự hỗ trợ.
Văn phòng nhân quyền của LHQ có trụ sở tại Geneva cho biết các nhân chứng đã đưa ra "lời kể chứng thực" về việc dân quân nhắm mục tiêu vào những người đàn ông Masalit không phải là người Arab. Họ đã chứng kiến "các vụ hành quyết nhanh chóng" và nhắm mục tiêu vào dân thường trên đường từ El Geneina đến biên giới từ ngày 15 đến 16/6.
Theo Hiệp hội bác sĩ Sudan, hai phần ba cơ sở y tế tại các chiến trường chính vẫn không hoạt động. Một số bệnh viện vẫn thiếu nguồn cung cấp y tế nghiêm trọng và phải vật lộn để có được nhiên liệu cho máy phát điện.
LHQ cho biết, 25 triệu người - hơn một nửa dân số Sudan - đang cần viện trợ và bảo vệ. Viện trợ đã đến tay ít nhất 2,8 triệu người, nhưng nỗ lực cứu trợ của các cơ quan nhân đang gặp trở ngại lớn, từ thị thực cho các nhà nhân đạo nước ngoài đến việc đảm bảo hành lang an toàn.
Theo tổ chức tư vấn Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), quân đội Sudan không muốn các nhóm viện trợ tiếp cận thủ đô, do lo sợ rằng các gói hàng sẽ rơi vào tay RSF như đã từng xảy ra trước đây, cho phép lực lượng bán quân sự cầm cự lâu hơn.