📞

Tình hình Sudan: Hơn 420 người thiệt mạng, thêm nhiều nước sơ tán công dân

Minh Quân 07:05 | 24/04/2023
Trước tình hình Sudan, nhiều quốc gia đã chủ động sơ tán công dân để bảo đảm an toàn, trong bối cảnh giao tranh dữ dội đã khiến hơn 420 người thiệt mạng.
Các binh sĩ Saudi Arabia hỗ trợ sơ tán công dân của nước này và một số quốc gia khác khỏi Sudan ngày 22/4. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Saudi Arabia)

Ngày 23/4, đài truyền hình Al-Arabiya (Saudi Arabia) cho biết Ai Cập đã sơ tán 436 công dân khỏi Sudan, đồng thời triển khai lực lượng an ninh tới biên giới với láng giềng Bắc Phi để bảo đảm an ninh cho hoạt động sơ tán.

Theo đó, hai nước đang phối hợp triển khai các hoạt động sơ tán thường dân, với phía Sudan cung cấp chi tiết về các hành lang an toàn cho công dân Ai Cập. Đồng thời, quân đội Sudan sẽ hộ tống các đoàn xe chở người Ai Cập khỏi Sudan tới cửa khẩu biên giới hai nước. Ước tính, ít nhất 10.000 người Ai Cập, trong đó có 5.000 sinh viên, đang sinh sống, học tập và làm việc ở Sudan.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố lực lượng vũ trang nước này đã sơ tán nhân viên ngoại giao và người thân của họ khỏi Sudan. Viết trên Twitter, ông nhấn mạnh: "Tôi bày tỏ lòng biết ơn sự tận tụy của các nhà ngoại giao của chúng ta và sự dũng cảm của những quân nhân đã thực hiện chiến dịch khó khăn này... Chúng tôi đang tiếp tục theo đuổi mọi lộ trình nhằm chấm dứt đổ máu ở Sudan và đảm bảo an toàn cho những công dân Anh còn ở lại đất nước (Đông Bắc Phi) này".

Cũng trong ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết máy bay quân sự đầu tiên của Đức đã hạ cánh ở thủ đô Khartoum. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận các lực lượng của Berlin cần thời gian để triển khai hoạt động sơ tán.

Về phần mình, một quốc gia châu Âu khác là Italy cũng đang đẩy nhanh quá trình bảo vệ công dân. Phát biểu trên kênh truyền hình Rai 3 (Italy) ngày 23/4, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết, Bộ Ngoại giao đang làm việc với các bên ở Sudan để bảo đảm an toàn cho công dân muốn rời khỏi đất nước Bắc Phi. Ông khẳng định đã nhận được cam kết từ lãnh đạo các bên tham chiến cho sự an toàn của 140 công dân Italy đây trong quá trình sơ tán.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares cũng cho biết, nước này đã bắt đầu sơ tán khoảng 80 công dân khỏi Sudan: “Các máy bay của Lực lượng Không quân Tây Ban Nha đã cất cánh rời Khartoum mang theo các hành khác là công dân và nhà ngoai giao Tây Ban Nha. Một số người dân châu Âu và Mỹ Latinh khác cũng đi trên các chuyến bay này”. Ông cũng kêu gọi các bên của xung đột ngừng bắn và nối lại đối thoại tại Sudan.

Ngày 23/4, đăng tải trên Twitter, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, Ottawa sẽ tạm ngừng các hoạt động và rút các nhà ngoại giao khỏi Sudan. New York Times (Mỹ) cho biết, 6 nhà ngoại giao Canada trong cùng nhóm với 70 nhà ngoại giao Mỹ đã cùng với lực lượng đặc nhiệm sơ tán bằng đường biển tới Saudi Arabia. Hiện Canada có 1.600 công dân tại Sudan. Theo cựu quan chức ngoại giao Canada Nicholas Coghlan, trên thực tế con số này có thể còn cao hơn nếu tính cả những người mang hai quốc tịch.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng ngày cho biết cơ quan chức năng đã triển khai hai máy bay ở Jeddah và một tàu tới cảng Sudan để chuẩn bị cho việc sơ tán: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh phức tạp và leo thang ở Sudan. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác để bảo đảm hành lang an toàn cho công dân Ấn Độ, những người bị mắc kẹt ở Sudan và đang chờ được sơ tán”. Thông báo cho biết, công dân Ấn Độ cần chủ động liên hệ với Đại sứ quán ở Sudan để sớm nhận những tư vấn cần thiết cho việc sơ tán an toàn.

Trước đó, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khởi động quá trình sơ tán công dân tại Sudan.

Cùng ngày, Quân đội Sudan và Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) đã cáo buộc lẫn nhau sau vụ tấn công nhắm vào các phái đoàn ngoại giao tại quốc gia châu Phi này. Cụ thể, quân đội Sudan cho rằng RSF đã xả súng vào đoàn xe hộ tống nhân viên ngoại giao của Pháp và Qatar, khiến một công dân người Pháp trúng đạn. Đáp lại, RSF đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định đoàn xe bị “tấn công từ trên không” và nhóm này “phải nổ súng đáp trả và bắn hạ”.

Tính đến ngày 23/4, xung đột tại Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), báo cáo của Bộ Y tế Liên bang Sudan cùng ngày cho thấy giao tranh trong 8 ngày qua đã khiến ít nhất 420 người thiệt mạng và 3.700 người khác bị thương. Trong khi đó, các dịch vụ Internet và điện thoại đã bị đánh sập. Thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm dần khan hiếm, với tình trạng giao tranh và cướp bóc lan rộng khiến cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn hơn.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 21/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, có một công dân mang quốc tịch Việt Nam và Australia hiện cư trú ở Khartoum và 16 công dân khác là thuyền viên đang trên một tàu ở cảng gần Sudan. Các công dân Việt Nam này hiện vẫn an toàn. Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và sẵn sàng có biện pháp bảo hộ khi cần thiết.

(theo AFP/Reuters)