📞

Tình hình Sudan: Lãnh đạo hai bên khó gặp gỡ, Saudi Arabia thúc đẩy sáng kiến tái thiết

Minh Vương 08:08 | 14/06/2023
Trong bối cảnh xung đột, đối đầu vẫn còn căng thẳng, Tổng Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan chưa thể tiếp xúc với chỉ huy Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdane Dagalo.
Chỉ huy Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdane Dagalo (trái) và Tổng Tư lệnh Quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan. (Nguồn: CNN)

Ngày 13/6, đáp lại tuyên bố của Cơ quan Liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD), một quan chức Sudan cho biết hiện Tướng Abdel Fattah Al-Burhan chưa thể tiếp xúc với chỉ huy Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự Tướng Mohamed Hamdane Dagalo. Theo nguồn tin trên, cả hai bên vẫn coi nhau như tội phạm và luôn cáo buộc bên kia vi phạm nhiều thỏa thuận đình chiến.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Djibouti hôm 12/6, IGAD tuyên bố sẽ mở rộng số lượng các quốc gia được giao nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng Sudan, với việc Kenya sẽ chủ trì hội nghị của một nhóm bốn nước cùng Ethiopia, Somalia và Nam Sudan để tìm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay ở Sudan. Theo dự thảo thông cáo của hội nghị do Tổng thống Kenya William Ruto công bố, lãnh đạo bốn nước sẽ cố gắng sắp xếp “cuộc gặp trực tiếp” giữa Tướng Al-Burhan và Tướng Dagalo tại một trong những thủ phủ tại khu vực.

Cũng trong ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này cùng với các đối tác gồm Qatar, Ai Cập, Đức và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ tổ chức hội nghị các nhà tài trợ cho Sudan ngày 19/6 tới. Tính đến cuối tháng Năm vừa qua, lời kêu gọi của LHQ về viện trợ trị giá 2,6 triệu USD để giải quyết khủng hoảng ở Sudan mới đạt mức 13%.

Saudi Arabia và Mỹ đã đứng ra làm trung gian hòa giải cho xung đột tám tuần qua giữa quân đội Sudan và RSF. Chính Riyadh cũng đi đầu trong chiến dịch sơ tán hàng nghìn người nước ngoài khỏi đất nước Đông Bắc Phi từ đầu xung đột.

Theo LHQ, những đợt giao tranh vừa qua tại đất nước Đông Bắc Phi khiến hơn một nửa dân số khoảng 25 triệu người cần viện trợ và cần được bảo vệ. Ngoài ra, LHQ ghi nhận gần 2 triệu người phải sơ tán, trong đó có 476.000 người tìm nơi nương náu tại nước láng giềng. Trong khi đó, thống kê của tổ chức phi lợi nhuận “Vị trí Xung đột Vũ trang và Dự án Dữ liệu Sự kiện” (ACLED) cho thấy kể từ khi giao tranh bùng phát ở Sudan đến nay, khoảng 1.800 người đã thiệt mạng.

(theo AFP/SPA)