📞

Tình hình Ukraine: Giá ổ bánh mì tăng gấp đôi, người dân 'chịu trận', IMF có thể cứu vãn tình hình?

Linh Chi 20:00 | 05/12/2022
Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Kiev đã "cậy nhờ" sự của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương đã mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới in, đồng thời, ngừng trả lương hưu và lương cho cán bộ nhà nước.
Người dân địa phương nhận bánh mì tại ngôi làng Yampil, Ukraine. (Nguồn: AP)

Người dân chịu tác động to lớn

Các nhà kinh tế cho rằng, việc in tiền có nguy cơ khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và làm giảm giá trị đồng tiền của đất nước.

Nhà kinh tế học Nataliia Shapoval cho biết, Ukraine từng có ký ức đau buồn về siêu lạm phát từ đầu những năm 1990. Khi còn nhỏ, cô đã chứng kiến ​​cha mẹ mình sử dụng những xấp tiền lớn để mua hàng hằng ngày, khi đồng tiền của đất nước ngày càng mất giá trị.

Shapoval, Phó chủ tịch nghiên cứu chính sách tại Trường Kinh tế Kyiv cho hay: "Ukraine đã trải qua điều này. Vì vậy, chúng tôi biết lạm phát ngoài tầm kiểm soát sẽ như thế nào và chúng tôi không muốn điều này lặp lại".

Sự ổn định về giá cả và khả năng chi trả lương hưu có tác động to lớn đến người dân.

Với mức lạm phát đã ở mức 27%, giá cả tăng cao đã khiến những người có thu nhập thấp khó có thể mua thực phẩm.

Halyna Morozova, cư dân tại Kherson - một thành phố miền Nam Ukraine cho rằng, một ổ bánh mì có giá tương đương 50 xu Mỹ - tăng gấp đôi so với mức trước chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Morozova chia sẻ: "Thật là buồn và chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi đang sống bằng những kho dự trữ thực phẩm cũ, nhưng bây giờ, mất điện trên diện rộng tủ lạnh không hoạt động và chúng tôi phải vứt bỏ thực phẩm".

Tetiana Vainshtein, một người dân cũng ở sống Kherson cho hay, khí đốt tự nhiên quá đắt để sưởi ấm nhà cửa.

Bà cho biết thêm, việc các ngân hàng đóng cửa khiến bà không thể nhận được tiền trợ cấp, buộc bà phải chia từng đồng để mua thực phẩm.

Ukraine cần hỗ trợ bao nhiêu?

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết, Ukraine cần 38 tỷ USD viện trợ hoàn toàn từ các đồng minh phương Tây như Mỹ và 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cùng 17 tỷ USD cho quỹ tái thiết hậu xung đột.

Các nhà kinh tế cũng nhận định, tổng cộng 50 tỷ USD từ các nhà tài trợ sẽ đủ để giúp Ukraine vượt qua khó khăn.

Mới đây, Quốc hội Ukraine thông qua ngân sách chi tiêu quốc phòng cao gấp 6 lần trong năm 2023, so với năm 2022. Chi tiêu quân sự và an ninh sẽ chiếm tổng cộng 43% ngân sách (hay 18,2% sản lượng kinh tế hàng năm).

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn phát triển tương đối tốt nhờ giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cao.

Kế hoạch của EU và các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm đặt giá trần đối với doanh số bán dầu của Nga đã được áp dụng từ ngày 5/12. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận thấy, biện pháp này tương đối "nhẹ tay".

Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan theo dõi hỗ trợ Ukraine tại Viện Kiel biên soạn, tính đến ngày 3/10, Mỹ là nhà tài trợ hàng đầu, với 15,2 tỷ USD hỗ trợ tài chính và 52 tỷ USD viện trợ, bao gồm cả hỗ trợ nhân đạo và quân sự.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất khoản vay dài hạn không lãi suất trị giá 18 tỷ Euro cho năm 2023. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể đóng góp nhiều hơn.

Hiện Ukraine đang kêu gọi thêm các khoản tài trợ, thay vì các khoản vay. Nếu tất cả các khoản tài trợ đến đất nước này dưới dạng các khoản vay, nợ sẽ tăng lên hơn 100% sản lượng kinh tế hàng năm. Gánh nặng đó có thể kìm hãm chi tiêu cho việc tái thiết nền kinh tế.

Theo Cơ quan theo dõi hỗ trợ Ukraine, tổng số tiền hỗ trợ toàn cầu cho Ukraine là 85 tỷ USD.

Vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã viện trợ khẩn cấp cho Ukraine 1,4 tỷ USD và 1,3 tỷ USD để giảm bớt cú sốc do xuất khẩu lương thực bị sụt giảm.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với hãng tin AP rằng, quỹ đang nỗ lực hợp tác với G7 hỗ trợ cho Kiev nhiều hơn.

Bà Georgieva nói: “Chúng tôi đang trên đường đưa ra một chương trình hợp lý và có quy mô lớn cho Ukraine, với sự hỗ trợ đặc biệt của G7 và giới lãnh đạo Đức”.

Tuy nhiên, đối với một chương trình cho vay lớn từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD, việc cho vay tiền khi các khoản nợ không bền vững là trái với thông lệ của IMF.

Adnan Mazarei, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson và cựu phó giám đốc bộ phận Trung Đông và Trung Á của IMF tiết lộ, IMF “sẽ phải thay đổi khuôn khổ hiện tại để hỗ trợ Ukraine".

Như "khúc dạo đầu" cho một gói hỗ trợ khả thi, IMF đang tổ chức đợt tham vấn kéo dài 4 tháng và tăng cường giám sát các chính sách kinh tế của Ukraine. Điều đó có thể tạo niềm tin cho các nhà tài trợ khác chung tay vực dậy nền kinh tế nước này.

(theo CNN)