Melitopol là một trong những thành phố đầu tiên của Ukraine do Nga kiểm soát sau khi phát động chiến dịch quân sự, ngày 24/2. (Nguồn: Reuters) |
* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko viết trên Facebook: “Tehran nên nhận ra rằng, những hậu quả của việc đứng về phía Nga trong chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine sẽ lớn hơn rất nhiều những lợi ích mà Iran có được”.
Trước đó cùng ngày, Iran đã lần đầu tiên thừa nhận cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Moscow, song khẳng định loại khí tài này đã được chuyển đến Nga trước khi diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine.
* Trong khi đó, ngày 4/11, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho biết, chính phủ mới của Thủ tướng Giorgia Meloni sẽ thông qua gói viện trợ quân sự thứ 6 cho Ukraine.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo Công giáo Avvenire, Bộ trưởng Crosetto nói: “Điều duy nhất mà chúng tôi không thể làm vào một thời điểm phức tạp như hiện nay là mất liên lạc với các đồng minh quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vì vậy, chỉ có một cách là hành động và quyết định. Nếu tình hình ở Ukraine không thay đổi, sẽ có sắc lệnh thứ 6 gửi viện trợ quân sự mới”.
Động thái này phù hợp với cam kết của Thủ tướng Meloni với các đồng minh NATO và EU rằng, chính quyền của bà sẽ không tách biệt với phần còn lại của phương Tây về vấn đề Ukraine.
* Về tình hình tại Ukraine, ngày 5/11, Công ty Năng lượng quốc gia Ukraine công bố các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện bổ sung tại khu vực thủ đô Kiev và một số vùng khác trên cả nước, sau khi đã áp dụng việc cắt điện luân phiên, do hậu quả của những cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái do Nga thực hiện thời gian gần đây.
Thông báo của cơ quan quản lý điện Ukraine nêu rõ: “Hôm nay (5/11), trung tâm điều phối (điện) Ukrenergo đã buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế bổ sung theo hình thức cắt điện khẩn cấp đối với tất cả các nhóm khách hàng.
* Trong một diễn biến khác, giới chức thân Nga cần quyền tại thành phố Melitopol ở miền Nam Ukraine, ngày 5/11, thông báo đã cho dựng lại tượng Lenin, 7 năm sau khi bức tường này bị hạ xuống sau cuộc cách mạng ủng hộ Liên minh châu Âu của Kiev.
Ông Vladimir Rogov, người đứng đầu chính quyền do Moscow bổ nhiệm tại khu vực Zaporizhzhia của Ukraine mới được Nga tuyên bố sáp nhập, đã đăng tải hình ảnh các công nhân tại thành phố Lenin dựng lại bức tượng của nhà lãnh tụ Cách mạng tháng 10 Nga.
Ukraine đã cho dỡ bỏ các bức tượng Lenin trên khắp nước này sau cuộc cách mạng năm 2014 lật đổ chế độ thân Moscow. Đây được xem là nỗ lực của Kiev nhằm dứt bỏ khỏi ảnh hưởng của Nga và Liên Xô (cũ). Khi đó Moscow đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của Ukraine.
Melitopol là một trong những thành phố đầu tiên của Ukraine do Nga kiểm soát sau khi phát động chiến dịch quân sự, ngày 24/2.