Tình hình Ukraine: Quân nhân Ukraine bắn pháo phòng không S60 vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, UKraine. (Nguồn: Getty) |
* Kênh Telegram của Wagner đăng tải bình luận của ông Prigozhin nêu rõ: “Hiện chúng ta cần tập trung vào thành phố, bởi đây là khối lượng công việc chiến đấu rất lớn, các bên sườn không được để chúng ta thất vọng, để các đơn vị đồng minh của chúng ta trấn giữ”.
Trước đó, ông Prigozhin thông báo các tay súng Wagner đang tiến vào Bakhmut. Ông nói: “Chúng tôi đang tiến lên, chiếm từng tòa nhà, từng đơn nguyên, từng chỗ để xe giữa các tòa nhà". Theo ông, hiện thành phố có khoảng 800 nhà cao tầng.
* Trong thông điệp thường niên đọc trước Quốc hội Belarus ngày 31/3, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko đã đưa ra công thức hòa bình cho Ukraine, trong đó có đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Theo ông Lukashenko, các bên cần chấm dứt giao tranh, không di chuyển quân, vũ khí và thiết bị ở Ukraine. Bên cạnh đó, các bên cũng cần tiến hành các cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình lâu dài cho Kiev cả về vấn đề lãnh thổ, tái thiết, an ninh và các vấn đề khác mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
* Cùng ngày, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng cho rằng, tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine cần thể hiện sự kiềm chế và rằng cộng đồng quốc tế cần tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine.
Phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Cảnh Sảng nêu rõ: “Tất cả các bên cần duy trì lý trí, kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng và ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và khiến nó vượt ngoài tầm kiểm soát”. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế “cần ngay lập tức thúc đẩy đàm phán hòa bình và tạo điều kiện để các bên nhanh chóng nối lại đàm phán".
Ông Cảnh Sảng khẳng định, Trung Quốc giữ quan điểm rõ ràng và nhất quán trong vấn đề Ukraine, đồng thời sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc đạt được lệnh ngừng bắn để chấm dứt xung đột ở quốc gia Đông Âu này.
* Trong khi đó, cũng ngày 31/3, 9 quốc gia thành viên ở sườn Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay còn gọi là nhóm Bucharest Nine (B9), đã kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị ngoại trưởng B9 diễn ra tại thành phố Lodz của Ba Lan, Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu nói: "Chúng ta cần làm việc để tăng cường sự hiện diện lực lượng và trang thiết bị của Mỹ trong khu vực sườn phía Đông… Nếu chúng ta có một hệ thống phòng thủ mạnh, thì chúng ta có thể tạo ra một sự răn đe mạnh mẽ đối với hành vi gây bất ổn và quyết đoán của Nga”.
Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước nhóm B9, gồm Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania và Slovakia đã nhắc lại lời kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ của khu vực giáp biên giới với Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá.
Theo Ngoại trưởng Romania, khu vực sườn phía Đông NATO cần "tăng cường phòng không, tăng cường năng lực chống tên lửa” cùng các “phương tiện giám sát, trinh sát và tình báo”.
Bên cạnh đó, các nước B9 cũng cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay. Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết: “Các nước B9 đã đi tiên phong, cả về mặt huy động các đồng minh có những hành động táo bạo hơn, như trong trường hợp chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 hoặc xe tăng”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Romania Aurescu nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi đều ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO… Ưu tiên hiện nay là hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột này… Tháng tới, giai đoạn tiếp theo sẽ rất quan trọng đối với số phận của chiến dịch quân sự ở Ukraine”.
* Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 31/3 nói rằng các nước châu Âu sắp bắt đầu thảo luận việc gửi binh sĩ tới Ukraine.
Phát biểu trên đài phát thanh Kossuth, ông Orban cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tiến gần đến việc thảo luận liệu các nước thành viên EU có nên gửi quân đến Ukraine dưới một hình thức gìn giữ hòa bình nào đó hay không. Ông nói: “Chúng ta đang ở gần ranh giới trước đây không thể vượt qua”.
Ông Orban lưu ý, một năm trước, châu Âu đã tranh luận về việc liệu có nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Các nước phương Tây đã từng do dự, song giờ đây điều này không còn là vấn đề. Theo ông, EU đang thảo luận xem họ có thể gửi bao nhiêu xe tăng và đạn pháo tới Ukraine. Tuy nhiên, chủ đề gửi binh sĩ đến Ukraine ở EU cho đến nay vẫn được né tránh một cách thận trọng.