📞

Tình hình Ukraine: Saudi Arabia ngỏ ý làm trung gian hòa giải, Nga nói về phản ứng của SNG với việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới

Gia An 12:35 | 15/10/2022
Theo Hãng Thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia, trong cuộc điện đàm ngày 14/10, Thái tử Mohammed bin Salman bày tỏ việc vương quốc Hồi giáo sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực trung gian và ủng hộ mọi bước đi góp phần giảm căng thẳng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Trước tình hình Ukraine, Saudi Arabia ngỏ ý làm trung gian hòa giải. Trong ảnh: Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina, 11/2018. (Nguồn: AFP)

SPA cho biết thêm, Thái tử Mohammed bin Salman cũng đã thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về khoản viện trợ nhân đạo 400 triệu USD cho Kiev khắc phục hậu quả chiến tranh.

Tháng trước, Saudi Arabia đã tham gia thúc đẩy thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Moscow và Kiev.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/10, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 725 triệu USD, gồm đạn bổ sung cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) và đạn pháo 155 mm.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, với gói viện trợ mới nhất, Washington đã cung cấp cho Kiev viện trợ quân sự trị giá tổng cộng 18,3 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ.

Về phía Nga, Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình 1 của Nga, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại Astana, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, các đối tác của Moscow trong SNG hiểu rõ thực tế khách quan của việc sáp nhập vào nước Cộng hoà Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia.

Trả lời câu hỏi việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới có được thảo luận tại Astana hay không, ông Lavrov cho biết Moscow đã thông báo cho tất cả các đối tác trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu và tiến hành lấy ý kiến người dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói: “Họ không hỏi bất cứ câu hỏi nào. Các bên đều hiểu rằng đây là thực tế khách quan”.

Từ ngày 23-27/9, các cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức ở Cộng hoà Nhân dân Doentsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia về việc sáp nhập vào Nga. Đại đa số người dân đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định nêu trên.

Ngày 4/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật phê chuẩn các Hiệp ước kết nạp các vùng lãnh thổ nói trên vào LB Nga.

Cũng về căng thẳng Nga-Ukraine, theo Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino, người hiện nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với sự nhất trí “gần như hoàn toàn”, các thành viên tổ chức tài chính này ngày 14/10 đã kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sứ của nước này tại Ukraine.

Các thành viên IMF cũng gọi cuộc xung đột này là yếu tố chủ yếu làm gia tăng lạm phát và cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Lời kêu gọi lần này được đánh giá là “mạnh mẽ hơn” tại những cuộc họp hồi tháng 4 của IMF và WB.

Tuy nhiên, bà Nadia Calvino cũng cho biết thêm rằng, Nga đã một lần nữa ngăn cản việc ra thông cáo chung sau cuộc họp của Ủy ban nói trên.

(theo SPA, Reuters)