📞

“Tính khả thi sẽ cao hơn nếu có sự đồng thuận”

08:00 | 21/10/2018
Đó là quan điểm của PGS. TS. Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) về Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

​Theo đó, mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên… Qua đó, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu của Đề án qua các giai đoạn?

Nói một cách tổng quát, tôi thấy Đề án ra đời đúng thời điểm để giải quyết những tồn tại xã hội. Đề án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng một cách công phu, toàn diện. Đồng thời, đưa ra giải pháp cụ thể, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước và toàn ngành thúc đẩy văn hóa ứng xử chuyên nghiệp, phi bạo lực trong các cơ sở giáo dục, hạn chế bạo lực học đường. 

Nhiều người lo ngại rằng, mục tiêu của đề án quá cao, không khả thi. Tuy nhiên, tôi thấy tính khả thi sẽ cao hơn nếu có sự tin tưởng, đồng thuận của toàn xã hội. Chúng ta cần bắt tay vào thực hiện ngay thay vì dành quá nhiều thời gian cho việc nghi ngờ thất bại. Cùng với đó, những người chịu trách nhiệm triển khai cần chứng minh bằng những công việc, số liệu cụ thể để củng cố niềm tin của người dân. 

Theo Đề án, đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường. Theo ông, liệu điều này có khả thi? 

Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử thông thường có thể kéo dài trong vài năm cùng với quy trình trải qua nhiều bước. Nhưng Bộ GD&ĐT đã xây dựng bộ quy tắc khung. Các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể kế thừa để xây dựng Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử của đơn vị mình phù hợp với văn hóa và đặc trưng vùng miền. Việc này có thể khả thi trong 2 năm. 

PGS. TS. Trần Thành Nam.

Tuy nhiên, xây dựng xong thì dễ, để Bộ Quy tắc thực sự đi vào cuộc sống sẽ cần thêm thời gian. Và Bộ Quy tắc được xây dựng ra sau 2 năm tới cũng không phải là bộ quy tắc cuối cùng mà cũng sẽ phải tiếp tục được cập nhật, thay đổi theo tình hình mới.

Trước đây, chúng ta cũng đã có những văn bản quy định về quy tắc ứng xử tại các trường học, về đạo đức nhà giáo nhưng dường như không hiệu quả. Việc triển khai Bộ Quy tắc ứng xử lần này có “đi vào vết xe đổ” như trước đây, thưa ông?

Tôi cho rằng, một số bộ quy tắc hành vi ứng xử ở trường học được đưa ra trước đây hoặc là quá hoàn hảo, quá triết học hoặc chung chung quá. Nhiều khi, những quy tắc ấy chỉ có tác dụng “trưng bày” hoặc để “truy trách nhiệm” khi có chuyện xảy ra. 

Bộ quy tắc muốn đi vào đời sống cần phải đảm bảo tính công bằng và không ngoại lệ, tính nhất quán và hợp tác. Phải quy định các trách nhiệm rõ ràng và cụ thể đến từng đối tượng, trong các hoàn cảnh không gian khác nhau (bao gồm cả môi trường mạng Internet) ảnh hưởng đến sự an toàn và thoải mái trong môi trường học đường. Ngoài ra, Bộ Quy tắc nhằm thúc đẩy tính tự quản, tự giác của học sinh thay vì áp chế tài xử phạt từ trên xuống. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Bộ quy tắc càng đơn giản, cấu trúc thành vài từ khóa sẽ giúp dễ nhớ, dễ làm hơn. Đối với học sinh chỉ cần nhấn mạnh đến một số từ khóa như “Tôn trọng”, “Trách nhiệm”, “An toàn” , “Sẵn sàng” trong các tình huống ở lớp học, trong khuôn viên trường học và trên mạng xã hội… Ví dụ, ở trong lớp học, “Tôi tôn trọng” sẽ là: lắng nghe chăm chú, thưa gửi lễ độ, dùng từ đúng mực và tích cực. 

Quan trọng hơn, Bộ Quy tắc cần phải được giới thiệu rộng rãi đến học sinh và giáo viên qua các tấm gương. Giáo viên phải thực hiện trước và trở thành tấm gương cho học sinh.

Vậy ông đánh giá ảnh hưởng của Đề án này đến người giáo viên cũng như đến chương trình giáo dục như thế nào?

Từ Đề án này, các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên phải thay đổi nội dung chương trình đào tạo, bổ sung các học phần về đạo đức hành nghề, thực hành ứng xử sư phạm. Đồng thời, tăng cường thời gian hội nhập nghề nghiệp để giáo sinh có thêm cơ hội thực hành, chín muồi và đáp ứng chuẩn về nghề.

Mục tiêu của Đề án xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo cũng sẽ định hướng cho các mục tiêu chung của chương trình giáo dục phổ thông, môn học giáo dục công dân và các môn học khác.

Cùng với Đề án, thời gian qua một loạt chính sách mới được đề xuất xin ý kiến và thông qua như việc ban hành chuẩn giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục…

Đó là những giải pháp rất đồng bộ, tác động làm thay đổi đến chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo giáo viên. Đồng thời, là cơ sở để người sử dụng lao động đánh giá chất lượng làm việc và là tấm gương soi cho giáo viên định hướng hành vi ứng xử của mình. Từ đó, từng bước lấy lại và nâng cao vị thế, uy tín của nhà giáo. Trong tương lai gần có thể tiến đến việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người giáo viên.

Đề án với Bộ Quy tắc ứng xử làm tiền đề để xây dựng văn hóa ứng xử tại trường học. Tuy nhiên, để có thể triển khai hiệu quả vào cuộc sống, chắc chắc những quy tắc hành vi ứng xử này phải được nhất quán trong những môi trường sống của trẻ (gồm gia đình, trường học, cộng đồng và mạng xã hội).

Như vậy, Đề án cũng sẽ tác động đến các gia đình. Công tác tuyên truyền nâng cao năng lực hành vi ứng xử văn hóa của phụ huynh cũng cần được triển khai. Phụ huynh cần ý thức rằng, nhà trường dạy về văn hóa xếp hàng, tự phục vụ nhưng ở nhà cha mẹ lại muốn phục vụ con sẽ giống như “muối bỏ biển”. Nếu cha mẹ cũng chen lấn, không xếp hàng thì không thể hình thành thói quen văn hóa ứng xử xếp hàng ở trẻ được.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)