📞

Tình yêu sắt son với biển đảo quê hương

09:48 | 09/06/2018
Nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6), Thế Giới & Việt Nam có cuộc trò chuyện với anh Vũ Đức Lượng - Phó Chủ nhiệm Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Anh Vũ Đức Lượng (trái) tại Đảo Trường Sa

Được biết, anh đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành năng lượng tại Đại học Dankook (thành phố Cheonan) và sinh sống tại Hàn Quốc đã được 7 năm. Cuộc sống xa xứ mang lại cho anh những thú vị gì?

Đầu năm 2012, tôi sang Hàn Quốc học chương trình thạc sỹ ngành hóa học theo diện học bổng giáo sư hai năm tại trường Đại học quốc gia Hanbath, Thành phố Daejeon. Môi trường học tập tốt và điều kiện nghiên cứu thuận lợi là một trong những cơ sở tôi tiếp tục học tiếp nghiên cứu sinh tiến sỹ.

Sống tại một đất nước khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa đã tạo cho tôi một cuộc sống tự lập, phải xoay sở nhiều thứ, phải tự cân bằng từ chuyện học tập, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sinh hoạt hàng ngày... Mọi thứ lúc bắt đầu tương đối khó khăn, nhưng theo thời gian thì mọi chuyện đều ổn định.

Một trong những phần thú vị khi đi du học và cuộc sống xa nhà là cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với những người bạn mới. Từ những người bạn mới người Hàn Quốc trong phòng thí nghiệm tại trường đại học, tới các bạn sinh viên quốc tế trong trường và nơi tôi đang sinh sống. Được giao lưu, chia sẻ, học hỏi từ những vấn đề trong học tập, nghiên cứu tới những vấn đề trong cuộc sống, đã cho tôi thu lượm được nhiều điều bổ ích cho bản thân.

Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt nam nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng rất đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Môi trường tại đây đã tạo cho tôi những động lực để tiếp tục cống hiến, hoạt động, gắn kết và phát triển cộng đồng sinh viên Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung.

Anh Vũ Đức Lượng và đoàn kiều bào Hàn Quốc trong chuyến thăm Trường Sa vừa qua.

Bên cạnh việc học tập nghiên cứu, anh còn tham gia hoạt động xã hội rất sôi nổi tại Hàn Quốc, đặc biệt là Phó Chủ nhiệm Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam?

Ý tưởng thành lập quỹ “Biển Đông” xuất phát từ thực tế, mục đích đáp ứng được mong mỏi và nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng trong vấn đề góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam được các thành viên trong Đoàn năm đó đề ra.

Tháng 8/2015, Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Sea and Islands Sovereignty Foundation - VSISF) chính thức được thành lập với 6 thành viên sáng lập ban đầu. Quỹ thành lập nhằm mục đích tổ chức, quy tụ các hoạt động yêu nước hướng về biển đảo, đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện của các thành viên sáng lập và các thành viên tham gia, hoạt động theo sự định hướng và bảo trợ của Đảng ủy, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc. Quỹ tiếp nhận mọi đóng góp trong sáng, không có mục đích chính trị nào khác ngoài mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ban đầu Quỹ đã tập trung vào một số hoạt động chính như hỗ trợ nhà ở, sách vở và trao học bổng cho các cháu học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh là con em của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK. Ngoài ra. Quỹ còn hỗ trợ công tác nghiên cứu công nghệ trồng rau xanh, trồng nấm trong điều kiện khắc nghiệt, nghiên cứu công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt để chuyển giao, áp dụng trên các đảo ở Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK; hỗ trợ việc đăng tải các bài viết về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên các tạp chí quốc tế.

Năm 2016, chúng tôi đã bàn bạc ý tưởng, cùng với một số bạn bè Hàn Quốc nghiên cứu một máy hút chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Đây là một thành tựu khoa học công nghệ mới chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Điểm đầu tiên Quỹ mang tới là Trường Sa với ba máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt, ba máy phát điện năng lượng mặt trời với mục đích hỗ trợ máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt đó và một số hoạt động sinh hoạt khác.

Ngoài ra, Quỹ còn mang mô hình giàn rau trồng thủy canh và những giàn rau trồng đất để tìm ra những cách nuôi trồng hợp lý để phục vụ thêm nhu cầu rau xanh cho các chiến sĩ Trường Sa. Để thử nghiệm nuôi trồng những giàn rau có đặc tính chịu mặn, chịu nhiệt tốt ở Hàn Quốc, chúng tôi đã mang những loại giống rau đó ra Trường Sa để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa.

Anh có thể chia sẻ những hoạt động nổi bật của Quỹ trong thời gian gần đây?

Trong năm 2017, Quỹ lập ra hai dự án. Thứ nhất là cung cấp những thiết bị máy lọc nước cầm tay và thứ hai là hệ thống pin năng lượng mặt trời. Không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể dục, thể thao của các chiến sĩ, nhân dân tại đảo Trường Sa, Quỹ có tài trợ cho đảo Trường Sa một công trình sân cầu lông đa năng. Sân này vừa có thể đánh cầu lông vừa có thể chơi bóng chuyền. Máy phát điện mini cũng được Quỹ trao tặng cho đảo Đá Nam, Đá Đông, Đá Tây và nhà giàn DK1/11. Trong đó đảo Đá Đông và Đá Tây có ba điểm A, B, C. Còn máy phát điện công suất lớn thì chúng tôi trao một bộ cho đảo Đá Nam và hai bộ cho đảo Cô Lin.

Đặc biệt, chuyến công tác tháng 4 vừa qua, với 15.000 USD kêu gọi ủng hộ được, Quỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch khi lắp đặt 1 hệ thống năng lượng mặt trời hiệu năng cao tại đảo Đá Thị, 4 bộ máy phát điện mini cho 4 điểm đảo chìm, máy quay camera và quà cho nhân dân và các chiến sỹ trên tất cả các điểm đảo trong chuyến hải trình năm nay.

Tính tới thời điểm này, Quỹ đã kêu gọi được hơn 75.000 USD để thực hiện các dự án dành cho Trường Sa và nhà giàn DK1. Trải qua các năm thực hiện dự án, Quỹ luôn tìm tòi các phương án để cải thiện thiết bị của mình cho phù hợp nhất với điều kiện ở Trường Sa, nâng cao được công suất điện để chiến sĩ không những có điện đủ dùng mà còn có điện dự phòng trong quá trình sử dụng.

Bản thân cũng là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, anh cho biết những hoạt động nổi bật của sinh viên Việt Nam về vấn đề này?

Trong các năm vừa qua, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã phối hợp với Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam có những hoạt động hướng về quê hương, biển đảo của Tổ quốc. Đơn cử trong các hoạt động đó là tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh về chủ quyền biển đảo tại các thành phố lớn của Hàn Quốc như Busan, Quangju, Daejeon, Seoul trong các dịp sự kiện của Hội sinh viên tổ chức. Đại diện Hội sinh viên còn tham gia một số hội thảo quốc tế tại thành phố Busan, và Incheon - nơi có nhiều giáo sư đầu ngành trên cách lĩnh vực về luật pháp quốc tế, luật pháp về biển để nói lên quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè trên trường quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chúng tôi còn cùng triển khai các dự án hàng năm hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống  của nhân dân và chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa, tuyển chọn các sinh viên tiêu biểu đại diện cho hơn 30,000 sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tham dự hải trình, đem những tình cảm của sinh viên, kiều bào Hàn Quốc tới nhân dân, chiến sỹ Trường Sa và nhà giàn DK1.

Anh có suy nghĩ về vai trò của tuổi trẻ kiều bào với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc?

Là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt hơn khi đang sinh sống, học tập tại nước ngoài, tuổi trẻ kiều bào ngoài việc tuyên truyền, quảng bá tới cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại nước sở tại còn tác động tới chính quyền và nhân dân nước sở tại về vấn đề chủ quyền Biển đảo của Việt Nam. Mỗi kiều bào trẻ như trở thành một sứ giả, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là tình yêu sắc son với biển đảo quê hương, với những hành động cụ thể, thiết thực của mình hướng về biển đảo quê hương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(thực hiện)