Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ và các nhà lãnh đạo hành động để bảo vệ và đầu tư vào bộ phận nhân viên y tế và chăm sóc, những người đi đầu trong việc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Tổ chức Y tế thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập. (Nguồn: The Lancet) |
Giải quyết bằng sự hợp tác toàn cầu
75 năm trước, sau hậu quả của cuộc chiến chết chóc và tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, Hiến pháp của WHO có hiệu lực: một hiệp ước giữa các quốc gia trên thế giới, những đất nước công nhận rằng sức khỏe không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cho hòa bình và an ninh.
Trong bảy thập kỷ rưỡi qua, đã có những tiến bộ phi thường trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật, bao gồm cả việc loại bỏ bệnh đậu mùa, giảm 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, cứu sống hàng triệu người nhờ tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở sản phụ và cải thiện sức khỏe, hạnh phúc cho hàng triệu người.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Lịch sử của WHO cho thấy ta có thể làm được bất cứ điều gì khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục đích chung.
Chúng tôi có nhiều điều để tự hào, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn về tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: WHO) |
Chúng ta tiếp tục đối mặt với sự bất bình đẳng lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, những lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ của thế giới trước các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và các mối đe dọa từ các sản phẩm gây hại cho sức khỏe và khủng hoảng khí hậu".
Người đứng đầu WHO cũng khẳng định: "Chúng ta chỉ có thể giải quyết những thách thức này bằng sự hợp tác toàn cầu".
Hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế
Để giải quyết những thách thức này, WHO đang kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế như một ưu tiên chiến lược.
Theo đó, cần ưu tiên đầu tư vào giáo dục, kỹ năng và việc làm bền vững cho y tế để đáp ứng nhu cầu y tế đang tăng nhanh và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế theo dự báo vào năm 2030; chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Một chương trình giáo dục toàn cầu về chăm sóc khẩn cấp cơ bản nhắm tới 25% y tá và nữ hộ sinh từ 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2025 cũng đã được WHO công bố gần đây.
Chương trình chăm sóc khẩn cấp 25x25x25 này sẽ cung cấp cho các y tá và nữ hộ sinh các kỹ năng và năng lực để tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống và giảm thiểu tình trạng khuyết tật.
Ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu
Hướng tới 75 năm sau và gần bước sang thế kỷ tiếp theo, một cam kết đổi mới về công bằng sức khỏe sẽ là chìa khóa để giải quyết các thách thức về sức khỏe trong tương lai.
Trong bóng tối của đại dịch Covid-19, tầm nhìn của WHO bao gồm quá trình thay đổi mô hình khẩn cấp hướng tới tăng cường sức khỏe và hạnh phúc cũng như ngăn ngừa bệnh tật bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, cũng như tạo điều kiện cho sức khỏe phát triển.
WHO đang kêu gọi các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng cho bảo hiểm y tế toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 cũng đã chỉ ra rằng bảo vệ sức khỏe là nền tảng cho nền kinh tế, xã hội, an ninh và sự ổn định của chúng ta.
Đầu tư vào khoa học và sức khỏe kỹ thuật số
Rút kinh nghiệm từ đại dịch này, WHO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trên thế giới khi họ đàm phán về hiệp định đại dịch, sửa đổi Quy định Y tế quốc tế và các sáng kiến tài chính, quản trị và hoạt động khác để chuẩn bị cho thế giới đối phó với các đại dịch trong tương lai.
WHO đang kêu gọi các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng cho bảo hiểm y tế toàn cầu. (Nguồn: WHO) |
Trong 5 năm qua, WHO đã đầu tư vào khoa học và sức khỏe kỹ thuật số, thành lập Bộ phận Khoa học do nhà khoa học trưởng đầu tiên của tổ chức lãnh đạo. Quá trình này diễn ra vào thời điểm mà khoa học đang bị tấn công liên tục mỗi ngày.
Ngoài ra, các quốc gia phải bảo vệ công chúng khỏi việc truyền tải và tiếp nhận thông tin sai lệch. Tương lai của sức khỏe phụ thuộc vào mức độ chúng ta phát triển khoa học, nghiên cứu, đổi mới, dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số và quan hệ đối tác.