Toàn cảnh cuộc Tọa đàm Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Kế hoạch Truyền thông ASEAN 2021-2025. (Ảnh: T.T) |
Tới dự Tọa đàm có ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Phạm Minh Giang - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện 03 Trụ cột trong Cộng đồng ASEAN gồm ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao - đại diện Trụ cột An ninh – Chính trị; bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương - đại diện Trụ cột Kinh tế; và bà Hà Thị Minh Đức Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - đại diện Trụ cột Văn hóa – Xã hội; cùng đại diện các Bộ ngành khác trong cả 3 trụ cột ASEAN.
Tại cuộc Tọa đàm, ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã điểm qua các kết quả chính của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo đó, trong năm 2020, đà xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được duy trì; ASEAN cũng đã thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. Các ưu tiên và kết quả chính được Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, đề xuất cho ASEAN năm 2020 đã được hoàn tất trọn vẹn. Trong đó đáng chú ý là việc hoàn tất rà soát giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thúc đẩy công tác chuẩn bị cho rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN và nâng cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN. đề cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN sẽ giúp người dân trong và ngoài khu vực nâng cao ý thức về Cộng đồng, tạo sợi dây gắn kết giữa các quốc gia thành viên.
Về nỗ lực ứng phó Covid-19, ASEAN đã thông qua và đưa vào triển khai nhiều sáng kiến hợp tác hiệu quả, thực chất, với vai trò thúc đẩy tích cực của Việt Nam, để chủ động ứng phó với các thách thức của đại dịch Covid-19, trong đó có Quỹ ASEAN ứng phó dịch bệnh Covid-19, công bố Kho dự phòng vật tư y tế đầu tiên của khu vực, thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi (AC-PHEED), Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai và Thỏa thuận Hành lang Đi lại ASEAN.
Cũng theo ông Nguyễn Đồng Trung, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vai trò, vị thế ASEAN ở khu vực và quốc tế, trong năm qua, ASEAN đã tiếp tục nỗ lực định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, đẩy mạnh hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và đề cao thượng tôn pháp luật; duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề có tác động đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy các tiếp cận cân bằng của ASEAN trong quan hệ với các đối tác qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao dịp 53 năm thành lập ASEAN gửi đi thông điệp về một ASEAN hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, và mong muốn tăng cường các giá trị hướng tới hoà bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế; hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán; đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu về hòa bình và an ninh, phát triển bền vững, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ như tổ chức Phiên họp đặc biệt của Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Cấp cao ASEAN 36; Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ, hòa bình, an ninh; Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên dịp Cấp cao ASEAN 37...
Các diễn giả tạo Tọa đàm Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Kế hoạch Truyền thông ASEAN 2021-2025. (Ảnh: T.T) |
Ông Nguyễn Đồng Trung cho rằng, những kết quả đó đã thể hiện năng lực dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, giúp duy trì đoàn kết ASEAN, giữ được sức mạnh tự cường, lấy thách thức là mẫu số chung gắn kết nhu cầu hợp tác cả trong ASEAN và với các đối tác; đưa ra được các trọng tâm đúng và trúng nhu cầu của ASEAN và các đối tác và xử lý khéo léo các khác biệt, cả trong ASEAN và điều hòa được các nước lớn.
“Việt Nam đã hoàn thành trọng trách xuất sắc, toàn diện, để lại nhiều di sản cho các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đồng Trung nhấn mạnh.
Về Kế hoạch tuyên truyền ASEAN 2021-2025, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, Kế hoạch tuyên truyền ASEAN 2021-2025 dựa trên Kế hoạch Chiến lược ASEAN về Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch Tổng thể truyền thông ASEAN giai đoạn II (ACMP II) 2018-2025 với trọng tâm ưu tiên giai đoạn tới là làm thế nào để người dân hiểu về cộng đồng ASEAN.
Theo ông Triệu Minh Long, thời gian qua, báo chí truyền thống đã làm rất tốt công tác truyền thông về các hoạt động cũng như kết quả hoạt động của ASEAN. Tuy nhiên, để cho người dân quan tâm đến sự kiện, hiểu thêm về Cộng đồng ASEAN, cần phải có những hình thức truyền thông khác, như việc Bộ Thông tin & Truyền thông đã có fan page về Năm Chủ tịch ASEAN, Cổng thông tin ASEAN tích hợp thông tin dữ liệu về ASEAN và chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương…
Tại tọa đàm, đại diện Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của ASEAN trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong việc đảm bảo yêu cầu về đường truyền và phần mềm họp trực tuyến, việc bố trí phòng họp tại các đầu cầu để thống nhất về nghi thức, lễ tân, việc thống nhất múi giờ khi có nhiều quốc gia tham gia dự họp, cũng như việc đảm bảo thời gian di chuyển cho các đại biểu trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa.
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ về quá trình đàm phán và đi đến kí kết Hiệp định RCEP. Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những hoạt động triển khai Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN trong năm qua.