Nhận lời mời của Tổng thống Peru Dina Boluarte, Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC từ ngày 12-16/11.
Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước trên cương vị mới, có giá trị lớn cả về hợp tác song phương lẫn vai trò đa phương của Việt Nam.
Điều này mang ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng.
Về song phương, chuyến thăm đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ giữa hai nước, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Peru.
Đây là dịp để hai nước cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, đồng thời mở ra triển vọng hợp tác trong tương lai, tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ phát triển bền vững và sâu rộng.
Trong chuyến thăm chính thức Peru, Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ đón và hội đàm chính thức với Tổng thống Peru; hội kiến Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Toà án Tối cao.
Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1994. Trong 30 năm qua, mặc dù cách xa nhau về địa lý nhưng hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế, thương mại và đầu tư.
Về trao đổi đoàn, Lãnh đạo cấp cao của hai bên thường xuyên có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế.
Nổi bật về phía Peru có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Alberto Fujimori (7/1998), Phó Tổng thống Luis Giampietri dịp dự Hội nghị cấp cao (HNCC) APEC 14 (11/2006); Tổng thống Pablo Kuczynski dự HNCC APEC 25 tại Đà Nẵng (11/2017); phía Việt Nam có chuyến thăm Peru của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (3/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2008) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016).
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hai chiều đã không ngừng tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
Hiện nay, Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 500 triệu USD, và trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt gần 300 triệu USD.
Hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, nông nghiệp, thủy sản, khoa học-công nghệ.
Trong đó phải kể đến Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ APEC, Thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp...
Bên cạnh đó, Việt Nam và Peru cùng thiết lập các cơ chế đối thoại song phương, như cơ chế tham vấn chính trị giữa hai nước cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy ban liên chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật ở cấp Thứ trưởng, ký kết nhiều Hiệp định và Biên bản ghi nhớ về hợp tác.
Ngoài ra, trên các diễn đàn đa phương, hai nước đều có những điểm tương đồng, trao đổi ủng hộ các ứng cử viên và cùng là thành viên trong Liên hợp quốc, APEC, CPTPP và Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC).
Trên cơ sở đó, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Peru nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển tích cực của mối quan hệ song phương từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại, và là cơ hội lịch sử để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.
Tuy nhiên, hai nước cần vượt qua một số thách thức, tồn tại để phát huy, tận dụng triển vọng song phương.
Khoảng cách địa lý cùng rào cản ngôn ngữ là những rào cản chính trong việc kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.
Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy có xu hướng gia tăng nhưng còn ở mức thấp và chủ yếu qua trung gian.
Hơn nữa, Peru là thị trường mở, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan… nên tính cạnh tranh tại thị trường Peru tương đối cao.
Để có thể phát triển hơn nữa triển vọng hợp tác trong tương lai, Việt Nam và Peru cần thường xuyên rà soát các nội dung hợp tác cụ thể, cũng như xác định các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương.