Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh của châu Âu có nhiều biến động phức tạp, điển hình là sự nổi lên của nhiều đảng phái theo đường lối dân túy, cuộc bầu cử đã vượt khỏi biên giới Hà Lan, trở thành sự kiện tâm điểm được châu Âu và quốc tế quan tâm theo dõi.
Số lượng phóng viên nước ngoài đến theo dõi và đưa tin tăng gấp 2 lần so với cuộc bầu cử năm 2012. Ở các thành phố lớn trên khắp đất nước hoa tulip, người dân tập trung đông đảo trong các trung tâm truyền thông để theo dõi trực tiếp kết quả bầu cử.
Một điểm theo dõi bầu cử tại Hà Lan. (Nguồn: ĐSQ) |
Dường như ngày 15/3 đã trở thành ngày hội và ngày quyết định tương lai của cử tri Hà Lan. Đã có khoảng 12,9 triệu người đi bỏ phiếu tại 20 khu vực bầu cử trên toàn lãnh thổ (tỷ lệ cử tri đi bầu đạt khoảng 82%, cao hơn hẳn so với 74,6% năm 2012 và cao nhất trong 35 năm qua). Có 28 đảng phái tham gia tranh cử, tương đương với mức kỷ lục sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai tới nay tại Hà Lan (giai đoạn 1971 - 1981).
Đúng như dự đoán của giới phân tích, cuộc bầu cử đã diễn ra đầy kịch tính và hồi hộp tới tận phút chót, phản ánh đầy đủ và trung thực mọi chiều cạnh suy nghĩ của cử tri Hà Lan.
Theo kết quả sơ bộ sau khi kiểm 95% phiếu bầu (tính đến cuối giờ địa phương ngày 15/3), đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã giành thắng lợi đứng đầu với khoảng 33 ghế; kế đó lần lượt là Đảng Vì tự do (PVV) (20 ghế), Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) và Dân chủ 66 (cùng 19 ghế); Cánh tả Xanh và Xã hội (cùng 14 ghế)… Bất ngờ lớn nhất là thất bại chưa từng có của Đảng Lao động (PvdA), từng liên minh với VVD trong Chính phủ cũ, nay chỉ giành được 9 ghế (sụt mất 29 ghế so với 4 năm trước). Trong khi đó, Đảng cánh tả Xanh - vốn nổi tiếng với cương lĩnh tranh cử vì môi trường - đã trở thành “chú ngựa ô” khi về đích với 14 ghế, tăng 10 ghế so với năm 2012.
Chiến thắng của VVD là điều hoàn toàn phù hợp với nhận định của đa phần giới phân tích. Trong 4 năm cầm quyền vừa qua, về đối nội, Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đã giành được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận như kinh tế tăng trưởng ổn định (GDP năm 2016 tăng 2,1%, cao nhất kể từ năm 2007 và thuộc nhóm cao nhất EU), thất nghiệp giảm mạnh, thu nhập người lao động tăng khoảng 2,3%, thâm hụt ngân sách giảm từ 5% xuống 0,5% GDP, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều tăng, nợ quốc gia giảm dưới trần cho phép của Hiệp ước Maastricht…
Về đối ngoại, Hà Lan đã chủ trì khá thành công nhiệm kỳ Chủ tịch EU (nửa đầu năm 2016); thúc đẩy nhiều sáng kiến hợp tác trong và ngoài EU về tình báo, kiểm soát biên giới, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu, an ninh mạng, giải quyết vấn đề nhập cự; tích cực tham gia giải quyết nhiều cuộc xung đột trên thế giới, cũng như đóng góp thiết thực vào công việc tại các diễn đàn đa phương.
Kết quả bầu cử Quốc hội Hà Lan năm 2017. (Nguồn: ĐSQ) |
Chiến thắng của VVD cũng được ví như “làn gió tốt lành”, giúp phần nào xua tan đi những tín hiệu u ám của làn sóng dân túy cực đoan đang trỗi dậy ở châu Âu. Trong nhiều tháng cuối năm 2016, PVV - đảng cực hữu dân túy duy nhất ở Hà Lan có quan điểm hoài nghi châu Âu, cổ súy việc rời bỏ EU, chống mạnh nhập cư và phản đối Hồi giáo - đã liên tục thắng thế và chỉ để tuột vị thế dẫn đầu vào tay VVD trong một số tuần cuối cùng.
Đông đảo cử tri Hà Lan và nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức (những nước cũng sẽ tổ chức bầu cử năm 2017) đã rất lo lắng về viễn cảnh PVV giành thắng lợi, sẽ đẩy Hà Lan và qua đó là cả châu Âu vào những nguy cơ bất định. Kịch bản tồi tệ này đã không xảy ra vì người dân Hà Lan đã thể hiện đúng bản lĩnh, chính kiến của mình qua những lá phiếu vào thời khắc quyết định. Châu Âu cũng có thể phần nào “thở phào nhẹ nhõm” trước khi tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài với chủ nghĩa dân túy.
Tới đây tại Hà Lan, VVD sẽ đứng ra chủ trì thương lượng với các đảng phái khác (trừ PVV) để thành lập chính phủ liên minh. Đây dự báo sẽ là một quá trình không hề dễ dàng và có thể kéo dài. Tuy nhiên cho dù Chính phủ mới của Hà Lan có thành phần thế nào đi nữa, chắc chắn những giá trị truyền thống mà xã hội Hà Lan luôn trân trọng và bồi đắp là dân chủ, pháp quyền và lòng khoan dung sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy.