Tôi đi học làm báo điện tử ở Đức |
Đây là cơ hội vô cùng quý báu cho các nhà báo được học hỏi kinh nghiệm làm báo theo xu hướng hiện đại.
Lúc đó, các tờ báo lớn trong làng báo Việt Nam như Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên... bắt đầu nhập cuộc với các phiên bản báo điện tử. Trong khi đó, báo điện tử của Anh, Mỹ phát triển khá rầm rộ và Đức cũng là một trong số các quốc gia châu Âu có thế mạnh về báo điện tử.
Từ bài học ba chữ P...
Các giáo viên của chúng tôi đều là những người đã có nhiều kinh nghiệm tại các tòa soạn báo lớn của Đức. Buổi học đầu tiên, sau màn chào hỏi, thầy giáo đặt ra yêu cầu của khóa học này gói gọn trong ba chữ “P”. Đó là ba chữ cái đầu trong tiếng Anh của từ Passion (Đam mê), Professional (Chuyên nghiệp) và Punctuation (Đúng giờ).
Tất nhiên, là người đi học, chúng tôi đều mang trong mình niềm đam mê nghề nghiệp, mong muốn giỏi giang và lĩnh hội được những cái mới. Và khi muốn giỏi nghề, ai cũng phải phấn đấu trở thành một người làm báo chuyên nghiệp.
Hai chữ P đầu tiên đối với chúng tôi không có khó khăn gì, nhưng là người dân của một quốc gia nổi tiếng với “giờ cao su” thì yếu tố “đúng giờ” quả là điều khó khăn mà chúng tôi phải nỗ lực.
Người Đức nổi tiếng đúng giờ và tự hào về điều đó. Mặc dù người Đức không phát minh đồng hồ, nhưng họ là những người đi tiên phong với phong cách học tập, làm việc luôn chuẩn giờ. Đúng giờ là một phần không thể tách rời của văn hóa Đức. Nếu sinh sống ở Đức, bạn có thể dễ dàng nhận thấy gần như mọi thứ đều thực hiện theo kế hoạch. Tàu hỏa, xe buýt, máy bay hầu hết hoạt động đúng giờ.
Chính vì thế, trong thời gian học tập tại Đức, ngoài việc tiếp thu phong cách làm báo hiện đại, chúng tôi đã rèn luyện được tác phong đúng giờ của người Đức. Có hôm, đôi giày thể thao của tôi bị trục trặc, tôi chạy bộ ra bến tàu điện ngầm (metro) để tới lớp học bị chậm mất mấy giây nên tàu chạy mất và tôi đến lớp bị chậm mất nửa tiếng. Đến lớp, thấy tất cả mọi người đang học hành chăm chú, tôi ngượng quá, dù thầy giáo chỉ gật đầu ra hiệu cho tôi vào lớp...
Người Đức nổi tiếng làm việc có kế hoạch. Các chương trình của họ thường được lên kế hoạch trước ít nhất sáu tháng đến một năm. Trước khi sang học, chúng tôi đã được gửi kế hoạch học tập tỉ mỉ và chi tiết. Ấy thế nhưng, sau mỗi ngày học, cuối giờ bao giờ cũng có phần “feedback” (phản hồi), tức là các học viên đều phải đưa ra nhận xét về bài học ngày hôm đó như thế nào, cái gì được và cái gì chưa được. Những cái gì chưa được, các thầy điều chỉnh ngay cho buổi học ngày hôm sau.
Trong thời gian học tập tại Đức, ngoài việc tiếp thu phong cách làm báo hiện đại, chúng tôi đã rèn luyện được tác phong đúng giờ của người Đức. .. |
Một điều đáng ngạc nhiên, mặc dù các bài giảng bằng tiếng Anh của các thầy giáo người Đức nói khá đều đều và kéo dài, nhưng chúng tôi không hề buồn ngủ. Đó là nhờ phương pháp “massage” đầu giờ học buổi chiều.
Ở nhà, chúng ta thường có thói quen ngủ trưa, nếu không buổi chiều làm việc rất uể oải hoặc buồn ngủ. Thế nhưng, việc các học viên xếp hàng, người sau xoa lưng người trước rồi đi một vòng tròn đã tạo nên một không khí vui vẻ, hào hứng và sảng khoái cho buổi học chiều.
Sau thời gian học lý thuyết, chúng tôi được chia làm ba nhóm, mỗi nhóm phải tự thiết kế một trang web. Tất nhiên, để có một trang web thu hút, ngoài phần thiết kế giao diện, phần không thể thiếu được chính là nội dung. Thế nhưng, nội dung gì và làm thế nào để hấp dẫn là một cuộc tranh luận sôi nổi giữa cách thành viên trong nhóm.
Thời gian trôi qua khá lâu rồi, tôi không thể nhớ hết các trang web chúng tôi tự tạo ngày đó như thế nào, nhưng có trang web của một nhóm khiến tôi nhớ tới tận bây giờ. Đó là trang web mà bài viết trên trang chủ là phóng sự về những chú chó, những người bạn thân thiết của người Đức.
Quả thật, khi bạn ra đường phố ở Đức, bạn luôn bắt gặp cảnh các cụ già, em nhỏ dắt chó đi dạo. Họ sánh bước bên nhau như những người bạn thân thiết, rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Chả thế mà, tôi có người bạn trai ở Đức thường nói vui anh chỉ được xếp thứ ba thôi vì người phương Tây có câu nói “phụ nữ, trẻ em, con chó rồi đến đàn ông” để nói về thứ tự ưu tiên trong xã hội.
Ngoài những giờ học trên lớp ở Berlin với các bài thực hành về thiết kế website, lập trình phần mềm quản lý nội dung, chúng tôi có hẳn một tháng đi tham quan các tòa soạn báo trên khắp nước Đức từ Bonn, Dusseldorf, Dresden, Hamburg tới Koln.
Đó là khoảng thời gian tuyệt vời cho các nhà báo đến từ bảy nước đang phát triển là Việt Nam, Ấn Độ, Moldova, Uzbekistan, Latvia, Ghana, Zimbabwe được chứng kiến và học hỏi trực tiếp cách làm báo điện tử của người Đức.
Có lẽ, Google tại Hamburg là nơi mà tôi học hỏi được nhiều nhất về cách kiếm tiền cho báo điện tử... |
Tác giả (thứ ba từ trái) cùng Giám đốc marketing của Google tại Đức. |
Kiếm tiền từ cú nhấp chuột
Thành phố cảng Hamburg ở miền Bắc nước Đức là nơi quy tụ các trụ sở chính của nhiều tòa soạn báo lớn trong và ngoài nước Đức. Thời đó, AOL (American Online) là tờ báo điện tử đình đám của Mỹ và tổng hành dinh của Google tại châu Âu cũng có trụ sở tại Hamburg. Lớp báo chí của tôi đã được sắp xếp tới thăm và làm việc với những đơn vị này.
Được thành lập vào năm 1998 với trụ sở chính tại Mỹ, nhưng Google đã nhanh chóng vươn ra toàn cầu bằng việc mở tổng hành dinh tại châu Âu, được đặt ở Hamburg. Các phòng làm việc của Google khá rộng, cũng chia thành từng ô làm việc như các tòa soạn báo ở Việt Nam.
Điều tôi ấn tượng hơn cả là phòng giải trí cho nhân viên Google. Ở đây, có bàn chơi bi lắc, máy tập chạy, có ghế sofa sặc sỡ với những chiếc gối ôm xinh xinh có in logo Google, có tủ lạnh với hoa quả và đồ ăn nhẹ...
Nhân viên Google có thể vào đó thư giãn bất cứ lúc nào nếu thấy mệt mỏi và căng thẳng. Có vẻ như, Google coi trọng hiệu quả công việc hơn cả. Làm việc ở một công ty lớn như vậy, hẳn là sức ép công việc rất nhiều, nhưng tôi thấy nhân viên của Google luôn tươi cười.
Là một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, Google được coi là một trong bốn tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ ( Big Four) cùng với Amazon, Apple và Facebook. Năm 2003, Google đã ra mắt Google AdSense, tính năng kiếm tiền online. Các website hay thậm chí là cả blog có thể đăng ký vào chương trình này để đăng các quảng cáo dưới dạng văn bản, hình ảnh và mới đây là cả video trên trang web của mình. Những mẩu quảng cáo này được điều phối bởi Google và tạo ra lợi nhuận trên nguyên tắc tính tiền cho mỗi cú nhấp chuột và tính tiền cho mỗi ấn tượng. Google hiện nay đang thử nghiệm beta cho dịch vụ dựa trên tính tiền cho mỗi hành động.
Có lẽ, Google tại Hamburg là nơi mà tôi học hỏi được nhiều nhất về cách kiếm tiền cho báo điện tử. Sau khi nghe giới thiệu mô hình hoạt động của Google, trong đó có Google AdSense, tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể hơn về cách kiếm tiền trên Google. Giám đốc marketing của Google nhiệt tình đưa cho tôi tấm danh thiếp của anh, trong đó có số điện thoại và email, và dặn tôi cần gì cứ liên lạc với anh, anh sẽ cố gắng giải đáp hết.
Thời đó, việc xuất hiện banner quảng cáo trên báo điện tử ở Việt Nam chưa phổ biến như bây giờ, mà đơn thuần là nội dung tin tức. 16 năm trôi qua, giờ Google AdSense đã trở thành công cụ kiếm tiền của nhiều cá nhân, chứ không chỉ các báo điện tử. Các báo điện tử của Việt Nam bắt đầu chú trọng việc “câu” view (số lượng người đọc báo) nhiều hơn.
Ngày càng nhiều bạn trẻ kiếm tiền từ Google, YouTube và nộp thuế hàng chục tỷ. Theo Cục Thuế Hà Nội, việc viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube…) là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của giới trẻ tại Hà Nội. Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng nhận định những năm gần đây, có nhiều cá nhân trẻ với trí tuệ, năng lực sáng tạo kiếm được thu nhập từ YouTube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như Play Store, App Store.