📞

Tôn trọng cách tiếp cận quốc gia và những điều kiện đặc thù trong thúc đẩy quyền con người

Chu An 08:41 | 18/10/2023
Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể.
Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 78 Đại hội đồng LHQ thảo luận nội dung thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.

Ngày 17/10, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York, Hoa Kỳ, Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 78 Đại hội đồng LHQ đã thảo luận nội dung thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, với sự tham gia đông đảo của các nước thành viên LHQ.

Tại phiên thảo luận, các nước nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền (1948), Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (1993), đồng thời khẳng định các nguyên tắc về giá trị phổ quát, tính liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời của các quyền con người.

Để thúc đẩy các quyền con người, trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức chung như hiện nay, các nước cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết, phối hợp hành động, hợp tác để duy trì hòa bình, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tốt hơn các quyền và nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhận định, sau 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, dù đã đạt nhiều tiến bộ về bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, song thực tế chưa được như kỳ vọng do phải chịu các tác động của xung đột, bạo lực, bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu…

Trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và khu vực.

Theo đó, việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là một yêu cầu cần thiết. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việc chính trị hóa vấn đề quyền con người và can thiệp vào công việc nội bộ sẽ không mang lại giải pháp hiệu quả.

Trong quá trình thúc đẩy quyền con người, Đại sứ cho rằng, cần thúc đẩy toàn diện các quyền, trong đó ưu tiên thúc đẩy các quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, chống phân biệt đối xử và công bằng xã hội.

Về phần Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu bật chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu của đất nước trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, nhấn mạnh trong gần 4 thập niên tiến hành Đổi mới và với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.

Với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể như chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người…

Các sáng kiến này của Việt Nam là sự đóng góp thiết thực và có ý nghĩa đối với công việc chung của LHQ trên tinh thần “Tôn trọng lẫn nhau, Đối thoại và Hợp tác, Đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người”.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)