Đại hội có sự tham dự của 260 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 424.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sóc Trăng, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội, đánh dấu một chặng đường phát triển mới của cộng đồng các DTTS tỉnh Sóc Trăng.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. (Ảnh: Phương Nghi) |
Đến dự đại hội có các đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hòa thượng Tăng Nô, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Sóc Trăng có 27 DTTS sinh sống, là tỉnh có đông đồng bào DTTS cao nhất khu vực Nam Bộ, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,19%; dân tộc Hoa chiếm 5,22%; các DTTS khác chiếm 0,04%. Đồng bào các DTTS của tỉnh sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với đồng bào Kinh và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. |
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời, Đại hội khẳng định và ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Theo báo cáo với Đại hội, giai 2019-2024, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2022-2024 (Chương trình 1719) được triển khai với nguồn vốn thực hiện hơn 1.030 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2024, Chương trình 1719 đã hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ; xây dựng 4 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 171 công trình (trong đó 154 công trình cầu, đường giao thông nông thôn, 3 nhà sinh hoạt cộng đồng và 14 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng, trường học...
Các đại biểu là chức sắc trong đồng bào dân tộc Khmer tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV. (Ảnh: Phương Nghi) |
Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, đồng chí Hầu A Lềnh ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt biểu dương sự nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng DTTS, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.
Đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời và là “máu – thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Do đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xác định, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS là đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào các DTTS so với bình quân chung của tỉnh.
Để triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị và mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.
Tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao Bằng khen và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự phát triển các dân tộc; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2019-2024. |