📞

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ

Phan Mích 16:54 | 26/07/2024
Theo các chuyên gia, trong 3 nhiệm kỳ giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật với nhiều quyết sách đột phá, quan trọng, góp phần đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật với nhiều quyết sách đột phá, góp phần đổi mới, đưa nền kinh tế đất nước vươn lên mạnh mẽ. (Nguồn: VnEconomy)

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng với thế giới

Nói về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, trong 13 năm giữ cương vị người đứng đầu Đảng (từ 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều quyết sách đột phá quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua Cương lĩnh về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình này này có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và phân phối; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau khi Cương lĩnh được ban hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu hai quan điểm lớn để triển khai. Đó là Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, gắn với hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

"Quan điểm này của Tổng Bí thư đến nay vẫn phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu thế thời đại", ông Kiên nói.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, chỉ khi xây dựng được nền kinh tế độc lập thì Việt Nam mới nâng cao được vị thế trên thế giới và quyền lợi dân tộc được đảm bảo ở mức cao nhất. Hai quan điểm lớn nêu trên là cơ sở để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm qua và là một trong số ít nước tăng trưởng tốt trong hai năm đại dịch Covid-19 (2020-2021).

Kiên định với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong suốt ba nhiệm kỳ, "ý tưởng thành công nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là xây dựng được quan điểm phát triển kinh tế xuyên suốt". Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở để hàng loạt luật quan trọng tác động trực tiếp vào nền kinh tế được sửa đổi, như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu...

Theo GS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế đặc biệt, vừa tuân theo những nguyên tắc và quy luật của hệ thống kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng kiên định này là điểm nhấn quan trọng trong 13 năm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.

Mong muốn cháy bỏng của ông là Việt Nam tiếp nhận được tất cả những ưu điểm của kinh tế thị trường nhưng theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân giàu, nước mạnh. "Quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Tổng Bí thư và Trung ương", GS Cường nhận định.

Tạo dấu ấn trong thu hút và sử dụng vốn FDI

Theo GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cùng những chuyển biến mạnh mẽ về phát triển đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị "về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030".

Đây có thể nói lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết riêng đầu tư nước ngoài (FDI) qua đó khẳng định kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về FDI, thu hút FDI đã chuyển biến tích cực; Khu vực Kinh tế FDI đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chất lượng và hiệu quả sử dụng FDI ngày càng cao; hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng với thế giới.

Quan điểm của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại. (Nguồn: Nikkei Asia)

Trong 5 năm 2019 - 2023 thu hút FDI đã có chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, thể hiện không chỉ vốn thực hiện từ 20,38 tỷ USD năm 2019, tăng lên 22,4 tỷ USD năm 2022 và 23,18 tỷ USD năm 2023; năm 2020 và 2021 mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch nhưng sụt giảm không nhiều. Tổng vốn thực hiện 5 năm đạt 105,68 tỷ USD, bằng 35,5% vốn thực hiện lũy kế đến cuối năm 2023.

Chất lượng các dự án FDI đã dần tiếp cận định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, đổi mới và sáng tạo, R&D, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khu vực kinh tế FDI đóng góp từ 22-25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% giá trị sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành kinh tế chủ lực như thăm dò khai thác dầu khí, lọc, hóa dầu, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin.

Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng, linh kiện điện tử, 20% GDP, 20% thu ngân sách nội địa, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu với cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Các doanh nghiệp FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang triển khai nhiều dự án xanh và bền vững, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, minh chứng tiêu biểu nhất cho khu vực kinh tế FDI đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn tại Việt Nam.

Trong đó, một nửa điện thoại thông minh của Samsung trên toàn toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng khuyến khích những Tập đoàn công nghệ khác mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong đó Tập đoàn Apple của Hoa Kỳ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. "Bộ ba" đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Theo các chuyên gia kinh tế, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.

"Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nước ta đã vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức, tranh thủ mọi cơ hội để phát triển theo kinh tế thị trường, định hướng XHCN, hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, về thương mại và đầu tư quốc tế, để biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc sớm trở thành hiện thực vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", GS TSKH Nguyễn Mại khẳng định.

Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Trung ương ký ban hành nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... xác định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP".

Theo đó, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030 hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đến năm 2045, hình thành được đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng được mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế và uy tín khu vực quốc tế...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem sơ đồ tổng mặt bằng Nhà máy VINFAST, Hải Phòng, năm 2017. (Nguồn: TTXVN)

Tại Nghị quyết 41/NQ-TU, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng cũng xác định phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Tại Nghị quyết 41, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh...

Đánh giá về dấu ấn của Tổng Bí thư với việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Giải pháp "bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế..." cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã thấu suốt yêu cầu thực tế và nguyện vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Nhờ những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước đã giúp khu vực kinh tế tư nhân có những bước phát triển, tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 7 triệu doanh nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách Nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước.

Báo chí quốc tế đánh giá cao thành tựu kinh tế dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời chuyên gia cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. GDP năm 2023 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%. "Việt Nam cũng đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp quan trọng nhất thế giới trong thập niên qua", AFP nhận định.

Tờ Financial Times (Anh), đánh giá "trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài từ các công ty toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng".

Tờ Washington Post (Mỹ) nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn và ông cũng mạnh tay hơn trong công cuộc chống tham nhũng, qua đó khơi dậy niềm tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam - Một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp khác. Việt Nam đã thu hút các công ty sản xuất nước ngoài bằng các biện pháp như tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tờ New York Times (Mỹ) nhận xét Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị. Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã nâng cao uy tín trên trường quốc tế và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

(tổng hợp)