Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trong một cuộc trả lời báo chí hồi năm 2022. (Nguồn: Reuters) |
Theo Reuters, chuyến thăm của người đứng đầu IAEA diễn ra chưa đầy 3 tuần sau khi Israel thực hiện vụ tấn công trả đũa nhằm vào thành phố miền Trung Isfahan của Iran để đáp trả cuộc tập kích chưa từng có tiền lệ của Tehran.
Mặc dù cả giới chức IAEA và Iran đều xác nhận “không có bất cứ thiệt hại nào” xảy ra tại các địa điểm hạt nhân ở Isfahan, song vụ tấn công trả đũa của Israel đã làm dấy nên những quan ngại về nguy cơ Tehran có thể tăng tốc chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, cùng ngày, Phó trợ lý Vipin Narang của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận, nước này không nhận thấy dấu hiệu về việc Iran đang thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân.
Quan chức Lầu Năm Góc nói rõ: “Iran chưa đưa ra quyết định xây dựng cơ sở vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đang theo dõi hoạt động làm giàu uranium, một cách hết sức chặt chẽ".
Theo ông Vipin Narang, chính sách của Washington là không cho phép Tehran có được vũ khí hạt nhân và không cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo phát triển hạt nhân.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ hợp tác với IAEA để nâng cao mức độ minh bạch trong chính sách hạt nhân của Iran.
Đồng thời, bộ này cũng khẳng định, Washington sẽ không tham gia những cuộc đàm phán trực tiếp với Tehran về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Năm 2015, Iran ký JCPOA với Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc đồng ý thu hẹp quy mô của chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, song sau đó nối lại đàm phán với Tehran nhằm nỗ lực khôi phục JCPOA. Tiến trình đàm phán kể từ đó đã rơi vào bế tắc. Iran nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình.