Cuộc họp thường niên lần thứ 30 giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam-Lào diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 30/11/2020. |
Biên giới Việt-Lào
Biên giới Việt-Lào dài 2337,459 km được xác định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 18/7/1977, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 24/1/1986 và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào ký ngày 16/3/2016 và các văn bản liên quan khác.
Biên giới Việt - Lào đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; 10 tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, Luang Prabang , Houaphanh, Xiangkhoang, Bolikhamsai, Khammouan, Savannakhet, Salavan, Sekong và Attapeu. Điểm khởi đầu của đường biên giới ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc và kết thúc ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.
Biên giới Việt Nam-Trung Quốc
Đường biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc được xác định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” ngày 30/12/1999 và Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc ngày 18/11/2009.
Lễ ký kết Văn kiện phân giới cắm mốc Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc 2009. |
Biên giới bắt đầu từ giao điểm đường biên giới giữa ba nước: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào quy định trong “Hiệp ước về xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 10/10/2006, tới điểm kết thúc là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước quy định trong “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ” ký ngày 25/12/2000.
Việt Nam có biên giới đất liền với Lào, Campuchia và Trung Quốc. |
Đường biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc có tổng số chiều dài 1449,566 km, trong đó đường biên giới trên đất liền là 1065,652 km, đường biên giới nước là 383,914 km.
Đường biên giới dài tiếp giáp giữa 7 tỉnh của Việt Nam từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc.
Biên giới Việt Nam-Campuchia
Biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.137km, khởi đầu tại cột mốc số 0 ở vị trí là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào.
Điểm kết thúc ở bờ Vịnh Thái Lan tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia) là cột mốc mang số hiệu 314. Biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, chủ yếu chạy theo hướng bắc-nam và đông bắc-tây nam, đi qua biên giới 9 tỉnh của Campuchia là Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot, và 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Khoảng 84% chiều dài đường biên giới đã được phân giới cắm mốc và được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa với một hệ thống mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững.
Biển Việt Nam
Việt Nam còn là một quốc gia biển với diện tích vùng biển (chưa tính vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) hơn gấp đôi lãnh thổ đất liền. Vùng biển Việt Nam được xác định bởi Tuyên bố xác lập đường cơ sở năm 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012, hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa chung với Malaysia và hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa phía Bắc năm 2009 phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các thỏa thuận phân định biển.
Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Vùng biển của các thực thể nổi thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xác định theo Điều 20 Luật biển Việt Nam 2012”.
Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982”.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). |
Việt Nam ký với Thái Lan thỏa thuận phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Thái Lan năm 1997. Đây là thỏa thuận phân định biển đầu tiên trong khu vực sau khi UNCLOS 1982 có hiệu lực.
Tiếp đó Việt Nam ký với Trung Quốc Thỏa thuận phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000, Hiệp định hợp tác nghề cá 2000, Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá 2004 và ký với Indonesia thỏa thuận phân định thềm lục địa năm 2003.
Tại các khu vực chưa giải quyết dứt điểm vấn đề phân định, Việt Nam đã áp dụng sáng tạo điều 15, 74 và 83 của UNCLOS 1982 để ký kết các dàn xếp tạm thời với các nước láng giềng.
Việt Nam đã ký vùng nước lịch sử chung với Campuchia năm 1982 và Thỏa thuận khai thác chung với Malaysia năm 1992.
Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các vùng biển chồng lấn với các quốc gia láng giềng bằng các biện pháp hòa bình.
Vùng trời quốc gia Việt Nam
Vùng trời quốc gia Việt Nam là khoảng không gian bên trên đất liền và lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở xác định năm 1982.
Ngoài ra Việt Nam còn tham gia quản lý các vùng thông báo bay FIR Hà Nội, FIR Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) với diện tích rộng 1,2 triệu km2.
Có 25 tuyến bay nội địa và 34 tuyến bay quốc tế nằm trong hai FIR này. Đây là hai vùng FIR có các đường bay với mật độ bay khá cao, chiếm vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
FIR Hồ Chí Minh kéo dài từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt-Lào, Việt-Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến Đông, tức bao gồm cả vùng trời miền Nam Việt Nam và vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông.
Vùng trời quốc gia Việt Nam là khoảng không gian bên trên đất liền và lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở xác định năm 1982. |
| Giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm Việc giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia với các nước có liên quan là một trong những ... |
| Nữ giới có vai trò quan trọng trong lực lượng cảnh sát biển Việt Nam Thời gian qua, lực lượng nữ cảnh sát biển của Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện, ... |