📞

Tổng thống Biden 'chơi tất tay', Mỹ chuẩn bị gửi Ukraine gói vũ khí mới trị giá 725 triệu USD, dự báo nhiều vũ khí tầm xa hơn?

Chu Văn 00:56 | 03/12/2024
Hãng tin AP ngày 2/12 dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ đang chuẩn bị gửi viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống chống máy bay không người lái và đạn dược cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), dấu hiệu cho thấy có thể sẽ có nhiều vũ khí tầm xa hơn được đưa ra chiến trường.
Ukraine bắn tên lửa HIMARS ở mặt trận phía Nam. (Nguồn: Wall Street Journal)

Hai quan chức Mỹ, đề nghị giấu tên trước khi gói viện trợ trên chính thức được công bố, không xác nhận liệu đạn dược cho HIMARS có phải là tên lửa chiến thuật của lục quân ATACMS hay không. Tuy nhiên, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp thêm tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Gói vũ khí mới này cũng bao gồm nhiều mìn chống bộ binh.

Tổng thống Joe Biden đã cam kết chi toàn bộ số tiền viện trợ quân sự mà Quốc hội nước này đã phê duyệt vào đầu năm nay cho Ukraine trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20/1/2025, bao gồm cả số vũ khí trị giá khoảng 7,1 tỷ USD được lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc.

Về phía Nga, các quan chức nước này nhiều lần cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp kéo Mỹ cũng như các nước khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột này.

Trước đó, cùng ngày 2/12, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matvienko đã bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng về triển vọng đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine vào năm 2025.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Lập luận và sự kiện, bà Matvienko đánh giá khả năng bắt đầu đàm phán thực chất vào năm tới cao hơn nhiều so với việc hoàn toàn không có đàm phán. Tuy nhiên, bà Matvienko cảnh báo chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gây trở ngại cho tiến trình này bằng cách làm phức tạp đối thoại.

Theo bà Matvienko, nếu đàm phán được khởi động, các bên có thể phải bắt đầu từ "những giá trị tiêu cực" do mâu thuẫn tích tụ qua nhiều năm xung đột. Bà Matvienko khẳng định Nga không xem xét khả năng đàm phán tạm thời.

(theo AP)