📞

Tổng thống Đức thăm Việt Nam: 'Mầm ươm' đã cho trái ngọt, thêm mục tiêu, nhiều khát vọng

Phương Hằng 07:00 | 23/01/2024
Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh khẳng định chuyến thăm của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân có ý nghĩa quan trọng, là dịp để Tổng thống có thể chứng kiến những 'trái ngọt' mình từng 'gieo mầm' và vạch thêm 'lộ trình' cho quan hệ hai nước tiến về phía trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào xã giao Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp thăm Đức tháng 9/2022.

Hôm nay, 23/1, Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của chuyến thăm?

Chuyến thăm của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân có ý nghĩa rất quan trọng khi quan hệ song phương đang tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên nhiều lĩnh vực. Qua một số lần được tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, tôi cảm nhận được tình cảm tốt đẹp và chân thành mà ông luôn dành cho Việt Nam.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trong năm 2024 và cũng là trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong năm mới 2024. Đáng chú ý hơn khi đây chuyến thăm thứ hai của một Tổng thống Đức tới Việt Nam kể từ khi nước Đức thống nhất, sau chuyến thăm của Tổng thống Horst Kohler năm 2007.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Đức)

Với cá nhân ông Frank-Walter Steinmeier, đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba, trước đó ông đến Việt Nam trên cương vị Phó Thủ tướng (tháng 10/2016) và Ngoại trưởng (tháng 3/2008). Đây sẽ là dịp để Tổng thống Steinmeier chứng kiến tận mắt những dự án “hải đăng” của Đức tại Việt Nam, những dự án từng được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của ông năm 2008 trên cương vị Ngoại trưởng Đức, đã và đang dần đơm hoa kết trái.

Nội dung chính của chuyến thăm là thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cũng như trao đổi những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm. Trong đó, nội dung trọng tâm sẽ là về hợp tác kinh tế, thương mại trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Đức. Dự kiến sẽ có một cuộc tọa đàm giữa đoàn doanh nghiệp lớn tháp tùng Tổng thống với các doanh nghiệp Đức và các tổ chức doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở Việt Nam.

Một lĩnh vực hiện được cả hai bên rất quan tâm là hợp tác về đào tạo nghề và đưa lao động lành nghề Việt Nam sang làm việc tại Đức trong bối cảnh Đức đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động này. Dự kiến hai bên sẽ ký Ý định thư về hợp tác lao động song phương lần đầu tiên. Ngoài ra, Tổng thống và đoàn sẽ thăm và khảo sát một số dự án “hải đăng” của Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận thời gian qua, như Ngôi nhà Đức, Đại học Việt-Đức hay Tuyến Metro số 2.

Nội dung trọng tâm khác là một số hoạt động văn hóa và ngoại giao nhân dân đặc sắc xuyên suốt chuyến thăm. Cùng đi với Tổng thống sang Việt Nam lần này có một số đại diện xuất sắc của cộng đồng người Việt thành đạt tại Đức, một điểm rất mới với chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Đức tới Việt Nam, thể hiện sự đánh giá cao và coi trọng cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam (tháng 11/2022) là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm và chỉ hơn 1 năm sau đó, Tổng thống Đức thăm Việt Nam. Thêm nữa, tiếp sau Kế hoạch hành động cho hai năm 2023-2024 được thông qua tháng 11/2022, Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2025 cũng được thông qua tại Đối thoại chiến lược Việt Nam-Đức lần thứ 7 vào tháng 4/2023. Không những vậy, việc trao đổi đoàn địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước cũng khá sôi động. Đại sứ nhận định như thế nào về độ “mau dần” của việc trao đổi đoàn từ cấp cao tới các cấp giữa hai nước thời gian qua, cũng như quyết tâm thúc đẩy hiệu quả và thực chất quan hệ Đối tác chiến lược?

Ngay sau chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn (tháng 9/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz (tháng 11/2022), hai bên đã tiếp tục thúc đẩy mạnh chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Tôi rất vui khi chuyến thăm diễn ra ngay đầu năm 2024 sau khi bị hoãn đầu năm ngoái vì lý do khách quan của ta.

Ngoài ra, trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước thời gian qua cũng rất sôi động với mật độ dày đặc, cho thấy quan hệ song phương tiếp tục đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Riêng trong năm 2023, đã có trên 40 đoàn cấp Thứ trưởng/ Phó Chủ nhiệm/ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của Việt Nam thăm và làm việc tại Đức, tăng rất cao sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

"Cùng đi với Tổng thống sang Việt Nam lần này có một số đại diện xuất sắc của cộng đồng người Việt thành đạt tại Đức, một điểm rất mới với chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Đức tới Việt Nam, thể hiện sự đánh giá cao và coi trọng cộng đồng người Việt tại CHLB Đức".

Từ phía Đức, các năm 2022-2023 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ chuyến thăm Việt Nam của nhiều lãnh đạo bang và doanh nghiệp Đức, gần đây nhất là đoàn của Thủ hiến bang Niedersachsen và Thüringen với số kỷ lục đông đảo doanh nghiệp tháp tùng lên tới 50-70 doanh nghiệp mỗi đoàn.

Không chỉ về số lượng, có thể thấy rõ xu hướng đoàn Đức thăm Việt Nam đều rất thực chất với đoàn doanh nghiệp đông. Điều này phản ánh nhu cầu tăng cường hợp tác ngày càng thực chất với các kết quả hợp tác cụ thể.

Xác định năm 2024 là năm bản lề hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, chúng tôi quyết tâm mạnh dạn đổi mới cách làm nhằm thúc đẩy hiệu quả và thực chất hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong đó, chúng tôi rất mong phía Việt Nam hạn chế dần các đoàn chỉ thăm xã giao, tăng dần các đoàn có doanh nghiệp tháp tùng và hai bên cần có trao đổi trước để có những kết quả cụ thể sau chuyến thăm.

Phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) là đề xuất Việt Nam nhiều lần bày tỏ mong muốn phía Đức thúc đẩy. Xin Đại sứ cho biết triển vọng của những nỗ lực này?

Quá trình phê chuẩn các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương giữa EU và các đối tác là một quá trình lâu dài, thường kéo dài tới 4-5 năm. Đến nay đã có 16/27 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA và tiến trình này vẫn đang tiếp tục.

Riêng trong năm 2023, 4 nước thành viên Bulgaria, Bồ Đào Nha, Slovakia và Phần Lan đã phê chuẩn Hiệp định. Hiện còn 11 nước thành viên EU đang trong quá trình xem xét phê chuẩn, trong đó có các đối tác lớn như Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan… Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, việc Đức sớm phê chuẩn Hiệp định sẽ có tác động lan toả mạnh cho các thành viên EU còn lại.

"Không chỉ về số lượng, có thể thấy rõ xu hướng đoàn Đức thăm Việt Nam đều rất thực chất với đoàn doanh nghiệp đông".

Hiện tại, Đại sứ quán vẫn đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của Đức và các hiệp hội doanh nghiệp Đức để vận động tốt nhất cho quá trình phê chuẩn Hiệp định của Quốc hội Đức. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng Quốc hội Đức phải đặt nhiều ưu tiên cao cho một số vấn đề khác nên Hiệp định vẫn chưa được đưa ra thảo luận gần đây.

Trong buổi tiếp ông Stephan Weil, Thủ hiến bang Hạ Saxony của Đức tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức tăng cường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Theo Đại sứ, thị trường Việt Nam có những “điểm cộng” nào trong mắt nhà đầu tư của Đức?

Qua các chuyến thăm, làm việc với các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Đức, tôi cảm nhận thấy mức độ “hấp dẫn” của thị trường Việt Nam ngày càng tăng lên trong mắt các nhà đầu tư Đức. Ngay cả Chính phủ Đức cũng chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, mở rộng đầu tư và chuỗi cung ứng bền vững bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, riêng trong năm 2023, số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam đã tăng thêm 340 triệu USD, tăng 14,1% trên tổng số vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư Đức, nâng tổng số vốn đăng ký lên 2,74 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2023 (với tổng số 464 dự án đang còn hiệu lực).

Tôi cho rằng, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Đức với nhiều "điểm cộng". Quan hệ Việt Nam-Đức là mối quan hệ gắn bó, tin cậy, ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Thêm nữa, cộng đồng người Việt nói tiếng Đức lớn với hơn 100.000 người đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự đa dạng về văn hóa và phồn vinh của CHLB Đức, đồng thời là một cầu nối cho quan hệ song phương nói chung và tình hữu nghị, gắn bó gần gũi giữa nhân dân hai nước nói riêng.

Bên cạnh đó cũng có thể kể đến một số "sức hút" khác như: Nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tương đối cao và ổn định so với mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế thế giới; các điều kiện chính trị, xã hội của Việt Nam ổn định và có vị trí chiến lược, kết nối toàn cầu tốt; lực lượng lao động trẻ, năng động, cần cù và sáng tạo; môi trường kinh doanh tốt, tạo ra nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác nhau; Việt Nam có chính sách phát triển nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, kinh tế số và đổi mới sáng tạo là những ngành nằm trong thế mạnh đầu tư của các doanh nghiệp Đức.

Đại sứ Vũ Quang Minh cùng đoàn công tác Đại sứ quán và Hội người Việt ở thành phố Cottbus làm việc với Thị trưởng Cottbus (bang Brandenburg), ông Tobias Schick ngày 1/6/2023. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ dành nhiều thời gian đi công tác địa phương Đức để tìm hiểu, khai phá cơ hội hợp tác, làm cầu nối cho doanh nghiệp… Vậy Đại sứ đánh giá ra sao về tiềm năng hợp tác địa phương giữa hai nước và vai trò cầu nối của Cơ quan đại diện?

Qua các chuyến công tác địa phương tại Đức, tôi thấy tiềm năng hợp tác địa phương giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Nhiều Lãnh đạo địa phương Đức rất quan tâm đến hợp tác thực chất với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, đầu tư, thương mại đến văn hóa và giáo dục, đặc biệt trong đó là hợp tác về đào tạo nghề, đưa lao động lành nghề Việt Nam sang làm việc tại Đức và năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Không chỉ về kinh tế, hợp tác văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa các địa phương hai nước cũng còn rất nhiều dư địa. Những dự án hiệu quả thời gian qua như các hoạt động kỷ niệm 10 năm kết nghĩa giữa thành phố Wernigerode và thành phố Hội An; Lễ chính thức đặt viên đá ghi nhận quan hệ kết nghĩa giữa Leipzig và Thành phố Hồ Chí Minh, hợp tác giữa Vườn thú Leipzig và Vườn quốc gia Cúc Phương, các hoạt động quảng bá voi Việt Nam tại Leipzig và một số địa phương của Đức... sẽ còn tiếp tục được nhân rộng ở các địa phương khác của Đức.

Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại CHLB Đức sẽ tiếp tục vai trò cầu nối trong hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và hỗ trợ các địa phương trong việc tiếp xúc với chính quyền các bang, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp của Đức, giúp lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về thị trường địa phương, quy định và cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi cũng trợ giúp tổ chức các cuộc làm việc, sự kiện kinh doanh, triển lãm, hội thảo và diễn đàn để tạo cơ hội gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các đối tác tiềm năng của Đức trong hợp tác thương mại và đầu tư, cũng như đào tạo nghề. Hy vọng thời gian tới có thể thúc đẩy thiết lập thêm các cặp quan hệ thực chất và hiệu quả giữa các địa phương hai nước.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Tiểu sử Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier. (Thiết kế: Hồng Nga)