Những dấu mốc “lịch sử”
Khi lòng tin của người dân xứ sở kim chi vào lãnh đạo đất nước trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước bê bối của cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye, số phiếu bầu chiếm tới 80% của tân Tổng thống Moon Jae-in là sự gom góp hi vọng của người dân về việc cải tổ bộ máy chính phủ và điều hành đất nước. Có thể nói, từ khi nhậm chức vào tháng 5/2017, Tổng thống Moon đã có được uy tín trong lòng người dân tương đối bền bỉ bởi việc hoạch định chính sách của ông luôn dựa trên ba trụ cột: Đề cao pháp luật, giải quyết những “góc tối” của quá khứ và sứ mệnh ngoại giao hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2018, như trong lời tuyên bố khi đắc cử Tổng thống, trái tim ông vẫn rực cháy khát khao xây dựng “một quốc gia chưa từng thấy”. (Nguồn: Yonhap) |
Năm 2018, như trong lời tuyên bố khi đắc cử Tổng thống, trái tim ông vẫn rực cháy khát khao xây dựng “một quốc gia chưa từng thấy” và tâm trí ông vẫn “đầy ắp kế hoạch một thế giới mới hội nhập và cùng tồn tại” khi ngày 27/4, tại khu vực biên giới phi quân sự Panmunjom, thế giới đã cùng chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên được tổ chức sau 11 năm.
Tháng 5/2018, tròn 1 năm trên cương vị người đứng đầu, với tỉ lệ ủng hộ đạt ở mức trên 80%, Tổng thống Moon Jae-in được đánh giá là đã gặt hái được nhiều thành công với những thay đổi mang tính bước ngoặt về đường lối đối ngoại. Sáng ngày 20/9/2019, hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhau nắm tay giơ cao trên đỉnh núi thiêng Bạch Đầu, một cử chỉ biểu tượng về hoà giải và thống nhất là thành quả sáng nhất trong nỗ lực hết mình của Tổng thống Moon Jae-in. Nhiều người cho rằng, Tổng thống Moon Jae-in chính là niềm cảm hứng cho hòa bình.
Bước sang năm 2019, trong một cuộc họp báo đầu năm tại Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in một lần nữa nhấn mạnh ưu tiên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Trong năm qua, chúng ta đã được sống trong biết bao hy vọng mới mà hòa bình có thể tạo ra. Nhưng nền hòa bình mà chúng ta tận hưởng hiện nay vẫn chỉ là tạm thời. Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để làn sóng hòa bình sẽ trở thành một làn sóng lớn và không thể đảo ngược trong năm mới này", ông Moon Jae-in nhấn mạnh.
Nhiều gánh nặng trên vai
Nhưng dù vấn đề hòa bình trên báo đảo Triều Tiên có cấp bách đến mức nào, Tổng thống Moon Jae-in cũng không thể quên một nhiệm vụ quan trọng mà ông cần phải hoàn thành trong năm 2019 là tạo ra sự cân bằng trong nền kinh tế xứ sở kim chi. Với tổng giá trị xuất khẩu đạt mức 600 tỷ USD trong năm 2018, con số ấn tượng nhất trong lịch sử, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có dân số hơn 50 triệu người và thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD. Mức lương tối thiểu của người dân cũng được tăng 10,9% lên 8.350 Won (khoảng 7,5 USD) cho mỗi giờ lao động kể từ 1/1/2019.
Tuy nhiên, cuộc sống nhiều người dân Hàn Quốc vẫn còn khó khăn. Kinh tế phát triển là nhờ “sự chung tay của mọi người” nhưng lại đang tập trung vào tay của một nhóm người thuộc tầng lớp trên và các tập đoàn, không được phân chia một cách công bằng. Trong một thời gian dài, tỷ lệ thu nhập doanh nghiệp trong tổng GDP tăng đều đặn trong khi thu nhập của gia đình tiếp tục sụt giảm.
Năm 2019 là một hành trình đầy thử thách với Tổng thống Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap) |
Chính những vấn đề trong kinh tế và cải cách trong nước đã khiến uy tín của Tổng thống Moon Jae-in giảm nhanh chóng kể từ tháng 11/2018. Đầu tháng 12/2018, mức độ ủng hộ đã giảm xuống dưới 50%. Chiều hướng đi xuống này vẫn đang tiếp tục và có rất ít hy vọng để lật ngược tình thế trong tương lai gần. Nếu không hành động và có những chính sách kịp thời, khủng hoảng chính trị có lẽ cũng là một kịch bản mà ông Moon Jae-in phải tính đến.
Rõ ràng, ông Moon Jae-in thời gian qua vẫn chưa thể chứng minh những hiệu quả từ cải cách kinh tế, chưa thể cải thiện đời sống của người dân. Chiến lược tăng trưởng dựa trên thu nhập, được thúc đẩy bằng cách tăng mức lương tối thiểu, rút ngắn thời gian làm việc không phải không hấp dẫn cử tri mà nó được thực thi thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, cải chính trị cũng khá chậm chạp, những yêu cầu về cải cách hiến pháp, hệ thống bầu cử, hệ thống tư pháp chưa có nhiều tiến triển. Nhiều người dân đang trở nên hoài nghi về triển vọng đổi mới này khi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in tiếp tục đánh mất thời hoàng kim.
Không những vậy, một phần không nhỏ người dân Hàn Quốc cho rằng ông Moon Jae-in đã “trắng tay” sau bao tháng ngày nỗ lực kiếm tìm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và là sợi dây gắn kết tạo nên những cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử, đặc biệt giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un. Họ cho rằng, những cuộc gặp chỉ có “tiếng” nhưng hiệu quả thực chất thì lại xa vời.
Ngoài ra, đảng Dân chủ (DPK) cầm quyền Hàn Quốc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 nhưng đảng này không nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội. Thêm vào đó, hầu hết các đảng chính trị ở Hàn Quốc sẽ tham gia cuộc bầu cử Quốc hội năm 2020, vì vậy, năm 2019 chính là một năm quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Nếu như ông không giành lại được sự ủng hộ của người dân thì triển vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội của ông sẽ trở nên ảm đạm. Hy vọng về sự chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể níu giữ uy tín của Tổng thống Moon Jae-in một cách tạm thời.
Vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ - Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào khoảng cuối tháng 2. Địa điểm tổ chức đã được chọn lựa nhưng chưa được công bố. Ông Moon Jae-in chỉ có thể thở phào khi những cuộc gặp trong năm 2019 thực chất và hiệu quả.
Như vậy, năm 2019 thực sự là một năm đầy thử thách với ông Moon Jae-in, hãy cùng chờ đón những bước đi của ông nhằm xoay chuyển tình hình và mang tới một tương lai tươi sáng cho người dân xứ sở kim chi.