📞

Tổng thống Indonesia quyết thay đổi diện mạo nền kinh tế

11:28 | 26/05/2016
“Chúng ta không thể ngăn chặn hội nhập kinh tế, do đó, chúng ta có hai lựa chọn: Mở cửa nền kinh tế hoặc đóng nó lại”.

Ngày 24/5, trả lời phỏng vấn tờ The Nikkei Asian Review, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhận định như vậy.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: Tempo)

Nới lỏng luật, thủ tục hành chính

Ông cho biết, Indonesia đang đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế thông qua bãi bỏ một số quy định trong luật và thúc đẩy tự do hóa. Quốc gia nghìn đảo cũng có thể đồng thời tham gia vào một số hiệp định thương mại tự do cấp khu vực và toàn cầu. Mở cửa thị trường sẽ giúp Indonesia thu hút thêm các khoản đầu tư để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia vạn đảo.

Theo nhà lãnh đạo này, việc bãi bỏ một số quy định trong luật là một trụ cột quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Indonesia. Ông Widodo cho biết, ông đã ký một sắc lệnh Tổng thống với nội dung giảm bớt hạn chế trong các quy định đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực nhất định. Điều này khiến số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng lạnh và du lịch tăng cao.

Từ trước tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể tiếp cận nền công nghiệp điện ảnh ở Indonesia do bị cản trở bởi một số nguyên tắc. Tuy nhiên, thực tế này sẽ thay đổi khi chính quyền của Tổng thống Widodo quyết định mở cửa để chào đón đầu tư nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực này.

Ông Widodo nhấn mạnh, những thủ tục hành chính phức tạp là nhân tố cản trở sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, được coi là "ưu tiên hàng đầu" của Indonesia. Do đó, ông cam kết quá trình xin phép và cấp phép xây dựng của nước này thời gian tới sẽ đơn giản hơn.

Mở cửa, hội nhập

Tự do thương mại là trụ cột cốt lõi thứ hai trong kế hoạch của Tổng thống Widodo. "Chúng ta không thể ngăn chặn hội nhập kinh tế, do đó, chúng ta có hai lựa chọn: Mở cửa nền kinh tế hoặc đóng nó lại”. Tổng thống đất nước vạn đảo mong muốn tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Indonesia bằng cách hội nhập kinh tế cùng các nước ASEAN và trở thành thành viên các hiệp định thương mại tự do trên toàn thế giới.

Thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) là thành quả mới nhất trong nỗ lực đó của ông Widodo. Ông Widodo đã gặp các nhà lãnh đạo châu Âu vào tháng Tư vừa qua. Bên cạnh hợp tác kinh tế đa phương, ông cho biết đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và hướng tới chuẩn bị cho việc đàm phán một FTA song phương. Hơn nữa, Tổng thống Widodo và Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận để thúc đẩy quan hệ kinh tế trong thời gian tới. Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là mục tiêu tiếp theo của Indonesia.

Tổng thống Widodo cũng hướng tới giải quyết các vấn đề toàn cầu với vai trò là người lãnh đạo một nước phát triển hơn trong khối ASEAN. “Những gì là tốt cho Indonesia sẽ tốt cho ASEAN và những gì tốt cho ASEAN sẽ tốt cho thế giới”, ông Widodo nói.

Tuy nhiên, ông Widodo vẫn tỏ ra khá thận trọng khi thảo luận về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam. Vị Tổng này chỉ nhấn mạnh rằng, "tự do hàng hải và hàng không cần phải được tôn trọng", và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 cần phải được tuân thủ.

Sự gia tăng ổn định chính trị trong nước đã tạo điều kiện để ông Widodo tập trung vào quan hệ đối ngoại. Khi ông Widodo nhậm chức hơn một năm trước, những người trong cơ quan lập pháp Indonesia ủng hộ ông là thiểu số. Nhưng ông Widodo đã sớm gây được cảm tình với quan chức nước này. Ông Setya Novanto, lãnh đạo của đảng đối lập lớn nhất Indonesia - Golkar cho biết, ông sẽ hỗ trợ ông Widodo tái cử năm 2019.

 

(theo the Nikkei Asian Review)